Bầu cử ở Brazil: Cuộc trưng cầu ý dân về 12 năm cầm quyền của PT

Ngày 5/10, gần 143 triệu cử tri sẽ tham gia cuộc tổng tuyển cử tại Brazil trong sự kiện được đánh giá là một cuộc trưng cầu ý dân về 12 năm cầm quyền của Đảng lao động (PT).
Bầu cử ở Brazil: Cuộc trưng cầu ý dân về 12 năm cầm quyền của PT ảnh 1Đương kim Tổng thống Brazil Dilma Rousseff, đại diện cho Đảng lao động (PT). (Nguồn: AP)

Ngày 5/10, gần 143 triệu cử tri sẽ tham gia cuộc tổng tuyển cử tại Brazil trong sự kiện được đánh giá là cuộc trưng cầu ý dân về 12 năm cầm quyền của Đảng lao động (PT) trong bối cảnh quốc gia đông dân nhất Mỹ Latinh đang phải đối mặt với suy giảm kinh tế.

Ngoài chọn lựa tổng thống, cử tri Brazil cũng bầu lại toàn bộ 513 ghế tại Hạ viện liên bang và 1.059 ghế tại nghị viện các bang, thay 1/3 trong tổng số 81 ghế tại Thượng viện liên bang, đồng thời bầu thống đốc của tất cả 27 bang.

Tuy nhiên, cuộc đua vào Dinh Planalto (phủ tổng thống) thu hút được sự quan tâm lớn nhất vì tầm quan trọng và kết quả khó lường.

Tham gia tranh cử tổng thống lần này có 11 ứng cử viên, nhưng chỉ có ba nhân vật có cơ hội thành công là đương kim Tổng thống Dilma Rousseff, đại diện cho Đảng lao động (PT); bà Marina Silva, ứng cử viên của Đảng xã hội (PSB) và thượng nghị sĩ Aecio Neves, thuộc Đảng dân chủ xã hội (PSDB).

Bà Rouseff, 66 tuổi, nhậm chức năm 2011 là nữ tổng thống đầu tiên của Brazil. Lợi thế bà có được trong cuộc bầu cử lần này để tiếp tục lãnh đạo thêm 4 năm là thành tích to lớn trong phát triển kinh tế song song với thực hiện công bằng xã hội.

Một báo cáo do Liên hợp quốc công bố gần đây ghi nhận dưới sự lãnh đạo của bà Rousseff và người tiền nhiệm Lula da Silva, tỷ lệ bần cùng tại Brazil giảm 75% trong khi tỷ lệ suy sinh dưỡng giảm một nửa và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 5%, mức thấp nhất trong lịch sử của đất nước với hơn 200 triệu dân này. Đây là kết quả của những nỗ lực của chính phủ trong tạo công ăn việc làm, trợ cấp tiền mặt và xây dựng hàng triệu ngôi nhà cho những người thu nhập thấp.

Có một thực tế là kinh tế Brazil tăng trưởng chậm lại trong những năm tổng thống gốc Bulgaria này cầm quyền. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều nước trong bối cảnh kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng. Bản thân Ngân hàng trung ương Brazil mới đây đã giảm dự báo tăng trưởng năm nay xuống 0,7%, tuy nhiên phần lớn người dân xứ sở samba không cảm nhận được điều này vì thất nghiệp giảm, lương tối thiểu được tăng để bù lại lạm phát, và sức tiêu dùng tiếp tục ở mức cao.

Sự ủng hộ của người tiền nhiệm Lula da Silva - một chính trị gia có sức thu hút đặc biệt và có uy tín cao trong nhân dân cũng là một lợi thế đặc biệt đối với bà. Từng nhận được tỷ lệ ủng hộ cao kỷ lục 78% ở thời điểm cuối năm 2012, uy tín của bà Rousseff giảm sau làn sóng biểu tình diễn ra giữa năm ngoái đòi cải cách chính trị và cải thiện dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục, y tế và giao thông.

Tuy nhiên, sự hậu thuẫn của cử tri đối với bà Rousseff vẫn vượt trội so với các đối thủ chính trị do người dân tin bà là ứng viên có kinh nghiệm và năng lực để thực hiện cam kết tiếp tục các chương trình xã hội vốn triển khai hơn một thập kỷ qua.

Nổi lên trong các đối thủ của bà Rousseff là Marina Silva. Hai nữ chính trị gia này từng đọ sức tại cuộc bầu cử tổng thống năm 2010. Năm đó, bà Roussef đắc cử còn bà Silva trong cương vị ứng viên của Đảng xanh bất ngờ về thứ ba với 20% số phiếu ủng hộ. Người phụ nữ da màu 56 tuổi, một tín đồ Phúc âm xuất thân từ tầng lớp nghèo khó này từng là thượng nghị sĩ trẻ nhất trong lịch sử Brazil (36 tuổi) và giữ chức Bộ trưởng Môi trường dưới thời Tổng thống Lula.

Bà Silva thay ứng cử viên Eduardo Campos, người đã tử nạn trong vụ rơi máy bay hồi trung tuần tháng 8 vừa qua, ra tranh cử trong cương vị ứng viên của Đảng xã hội (PSB). Sau khi ra tranh cử, bà Silva nhanh chóng nhận được sự ủng hộ đông đảo công chúng, đặc biệt là từ những thành phần bất mãn với chính phủ, tầng lớp trung thượng lưu muốn giành lại quyền lợi bị mất kể từ khi đảng PT cầm quyền, những cử tri còn do dự và cả các tín đồ Phúc âm.

Vào thời điểm bắt đầu tranh cử, theo các cuộc thăm dò dư luận, bà Silva đủ phiếu để cùng Tổng thống Rousseff lọt vào vòng hai và thậm chí dẫn 10 điểm tại vòng quyết định này để trở thành tổng thống da màu và theo trường phái Phúc âm đầu tiên lãnh đạo đất nước đông tín đồ Công giáo nhất thế giới.

Tuy nhiên, sự ủng hộ đối với nhân vật được coi là “Obama của Brazil” này giảm mạnh do sự thiếu nhất quán và lập trường dao động. Ngược lại, sự hậu thuẫn dành cho bà Rousseff và ông Aecio Neves gia tăng. Từ vai trò “chầu rìa,” ông Neves đe dọa trực tiếp cơ hội của bà Silva cùng bà Rousseff “dắt tay nhau” vào vòng hai trong trường hợp không ứng viên nào giành được số phiếu quá bán. Tại cuộc bầu cử này, ông Neves đại diện cho đảng đối lập lớn nhất tại Brazil và được cho là gần gũi nhất với giới doanh nghiệp trong số ba ứng viên chính trong cuộc đua “tam mã” vào dinh tổng thống.

Kết quả các cuộc thăm dò mới nhất do các hãng điều tra dư luận công bố ngày 4/10 cho thấy bà Rousseff nhận được sự ủng hộ của từ 44% đến 46% số người được tham khảo ý kiến và dẫn từ 18 điểm đến 22 điểm trước bà Silva và ông Neves. Hai nhân vật này được cho là “hòa kỹ thuật” vì sự cách biệt về số người ủng hộ họ nằm trong biên độ sai sót của kết quả khảo sát.

Trong trường hợp kết quả thăm dò khớp với thực tế, tức là không ứng cử viên nào nhận được số phiếu bầu quá bán, bà Rousseff sẽ tranh cử vòng hai ngày 26/10 với một trong hai đối thủ trên. Những nhân vật này có quan điểm khác biệt với chính phủ hiện nay về kinh tế cũng như chính sách đối ngoại nhưng đều cam kết tiếp tục, thậm chí mở rộng những chương trình xã hội hiện hành, điều mà đương kim Tổng thống cho là những hứa hẹn “sáo rỗng”.

Kể từ khi ông Lula da Silva lên cầm quyền cách đây 12 năm, đây là cuộc bầu cử khó khăn nhất đối với đảng cánh tả PT. Thế nhưng, với uy tín càng tăng trong chặng đua cuối và số lượng cử tri còn do dự khá lớn, không loại trừ khả năng bà Rousseff đắc cử ngay tại vòng một.

Tuy nhiên, dù ai thắng cử đi nữa, các nhà phân tích đều thống nhất rằng một trong những thách thức lớn nhất mà tân tổng thống Brazil phải đương đầu là đưa ra những biện pháp cần thiết để ngăn đà suy giảm của nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh trong bối cảnh quốc tế bất lợi hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Ukraine

Chuyến thăm của ông Austin diễn ra vào thời điểm Ukraine kêu gọi các đồng minh phương Tây dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí tầm xa và xem xét đẩy nhanh quá trình Ukraine gia nhập NATO.