Bầu cử Quốc hội ở Hungary: Các đảng đối lập hy vọng vào phép màu

Theo chuyên gia, trong bối cảnh đảng cầm quyền Fidesz đang ở thế áp đảo và có khả năng sẽ giành được thắng lợi tuyệt đối, vẫn còn vài phần trăm cho sự bất ngờ.
Các khẩu hiệu tranh cử trên đường phố Budapest (Ảnh: Trần Quang Vinh/Vietnam+)

Cuộc bầu cử Quốc hội Hungary diễn ra vào ngày 8/4 trong bối cảnh đảng cầm quyền Liên đoàn Công dân Hungary (Fidesz) đang ở thế áp đảo và có khả năng sẽ giành được thắng lợi tuyệt đối.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích chính trị, vẫn còn vài phần trăm cho sợ bất ngờ.

Trong số 250 đảng phái ở Hungary có 23 lực lượng đủ mạnh để tham gia tranh cử. Họ đã tìm mọi phương cách có thể làm nhằm thu hút sự chú ý của các cử tri. Sự quyết liệt không nằm ở chỗ cán cân lực lượng của các bên ngang bằng, ở thế giằng co như ở một số quốc gia khác ở châu Âu.

Trong nhiều năm qua đời sống chính trị ở Hungary có đặc điểm nổi bật là đảng cầm quyền Fidesz luôn ở vị trí áp đảo. Các đảng đối lập yếu và phân tán, thiếu sự đoàn kết.

Mục tiêu của Fidesz trong cuộc bầu cử Quốc hội 2018 không chỉ là chiến thắng mà là chiến thắng tuyệt đối. Lãnh đạo Fidesz muốn qua cuộc bầu cử để giành đa số áp đảo (2/3 số ghế) trong Quốc hội mới. Còn các đảng đối lập đang nỗ lực để ngăn chặn mục tiêu này của Fidesz.

Nếu Fidesz có được 2/3 số đại biểu trong Quốc hội Hungary thì tình trạng đảng cầm quyền "độc tôn“ tại diễn đàn nghị viện lại tái diễn, có quyền sửa đổi Hiến pháp và các đạo luật quan trọng nhất mà không cần sự ủng hộ của các đảng phái đối lập. Nói cách khác, các đảng đối lập sẽ bị đẩy ra ngoài đời sống chính trị ở Hungary do tiếng nói quá yếu ớt, không đủ lá phiếu trong Quốc hội để ngăn cản bất cứ nghị quyết nào do Fidesz đề xuất.

[Thủ tướng Hungary Victor Orban tuyên bố chiến thắng lịch sử]

Chính phủ của Fidesz trong hai nhiệm kỳ qua bị Liên minh châu Âu (EU) coi là đưa đất nước Hungary theo con đường dân túy cánh hữu, dân tộc chủ nghĩa, xa rời EU và thực hiện chính sách ¨dân chủ trong khuôn khổ¨ khác biệt với dân chủ phương Tây.

Theo ước tính của Viện Republikon, nếu tình hình không có sự đột biến thì 199 ghế trong Quốc hội Hungary sẽ được chia như sau: Fidesz chiếm 146 ghế, JOBBIK (phong trào Vì Hungary tốt đẹp hơn) 20 ghế, Liên minh Đảng Xã hội Hungary (MSZP Párbeszéd (Đối thoại) 15 ghế , Liên minh Dân chủ (DK) 10 ghế…

Tuy nhiên, một số nhà phân tích chính trị ở Hungary cũng để ngỏ khả năng, dù rất nhỏ là trong giai đoạn nước rút của cuộc chạy đua vào Quốc hội các đảng đối lập có sự liên kết mạnh mẽ hơn nhằm phá thế ¨độc tôn¨ của Fidesz tại nghị viện. Trong trường hợp đó.

Theo Viện Republikon, sự phân bố ghế trong Quốc hội Hungary sẽ là Fidesz 130 ghế, MSZP và Párbeszéd 25 ghế, JOBBIK 20 ghế, DK16 ghế…

Cuộc tọa đàm về bầu cử của cộng đồng người Việt ở Hungary. (Ảnh: Trần Quang Vinh/Vietnam+)

Ông Nguyễn Hoài Linh, nhà phân tích chính trị Hungary gốc Việt, cho biết phe đối lập ở Hungary chỉ cố gắng để phá thế 2/3 của Fidesz. Nếu như vậy đảng cầm quyền vẫn thắng lớn nhưng không đạt được 2/3, sẽ cần phải đến sự hợp tác của phe đối lập trong Quốc hội. Và nếu điều đó xảy ra thì với phe đối lập cũng là thắng lợi không phải nhỏ. Bởi vì trong những năm gần đây phe đối lập của Hungary một là yếu, hai là phân tán, không có sự đoàn kết, không có được sự đồng lòng với nhau…

Cũng theo ông Nguyễn Hoài Linh, cộng đồng người Việt ở Hungary tuy số lượng không đông, gần 5.000 người và phần đông đã nhập quốc tịch nước sở tại, nhưng cũng nắm trong tay một lượng lá phiếu đáng để các lực lượng chính trị Hungary quan tâm. Một mặt, điều này chứng tỏ cộng đồng người Việt hội nhập sâu vào xã hội sở tại, không đứng ngoài đời sống chính trị tại nước này. Mặt khác, các công dân Hungary gốc Việt đã thoát ra khỏi thế tự ti, có đóng góp nhất định vào xã hội nước sở tại và tiếng nói của họ được tôn trọng.

Ngay trước khi diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội Hungary tại thủ đô Budapest đã diễn ra cuộc tọa đàm của cộng đồng người Việt về cuộc bầu cử với sự tham dự của một nghị sỹ và là ứng cử viên Quốc hội khóa mới.

Tại cuộc hội đàm các diễn giả đã giới thiệu về thể lệ bầu cử, cán cân lực lượng và đường lối tranh cử của các đảng phái ở Hungary.

Những người Việt tham dự cuộc tọa đàm cho biết không như trước kia chỉ mê mải mưu sinh, giờ đây họ rất quan tâm đến tình hình chính trị của nước sở tại, không còn ở thế bị động mà muốn có tiếng nói về đường hướng quản lý kinh tế và chính sách nhập cư thông qua lá phiếu của mình, thông qua việc lựa chọn đại biểu của mình trong Quốc hội Hungary./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục