Bầu cử Singapore: Các chính đảng hoàn tất thủ tục đăng ký tranh cử

Cuộc tổng tuyển cử năm nay tại Singapore có một số điểm mới như tăng số ghế nghị sỹ lên 93 so với 89 hiện tại; tăng số ghế nghị sỹ đối lập từ 9 (cả nghị sỹ chính thức và nghị sỹ lựa chọn) lên 12 ghế.
Bên ngoài trung tâm đề cử tại trường THPT Nan Hua, ngày 30/6. (Ảnh: Lê Dương/TTXVN)
Bên ngoài trung tâm đề cử tại trường THPT Nan Hua, ngày 30/6. (Ảnh: Lê Dương/TTXVN)

Ngày 30/6, tại 9 trung tâm đề cử, 11 đảng chính trị và ứng cử viên độc lập tại Singapore đã hoàn tất công tác đăng ký tranh cử cho các ứng cử viên và xác định khu vực tranh cử trong cuộc tổng tuyển cử 2020.

Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, tổng cộng có 192 ứng cử viên, trong đó có 1 ứng cử viên độc lập, đăng ký tranh cử 93 ghế tại 31 khu vực bầu cử, trong đó có 17 khu vực bầu cử nhóm nghị sỹ (GRC) và 14 khu vực bầu cử một nghị sỹ (SMC).

Bầu cử 2020 là lần thứ hai trong lịch sử bầu cử Singapore tất cả các ghế đều có sự cạnh tranh.

Như thông lệ, đảng Hành động nhân dân (PAP) cầm quyền là đảng duy nhất đăng ký tranh cử cả 93 ghế.

Đứng thứ hai là đảng Singapore Tiến bộ (PSP), tranh cử 24/93 ghế. Kế tiếp là đảng Công nhân (WP), tranh cử 21/93 ghế.

Ứng cử viên độc lập duy nhất tranh cử năm nay là ông Cheang Peng Wah, đăng ký tranh cử tại khu vực bầu cử một nghị sỹ Pioneer SMC.

Các đảng đối lập khác cũng tham gia tranh cử gồm đảng Cải cách (RP), đảng Nhân dân Singapore (SPP), đảng Đoàn kết Quốc gia (NSP), đảng Dân chủ Singapore (SDP), đảng Tiếng nói Nhân dân (PV), đảng Sức mạnh Nhân dân (PPP), Liên minh Dân chủ Singapore (SDA) và đảng Thống nhất Chấm đỏ (RDU) mới thành lập.

[Bầu cử Singapore: Các đảng đối lập cùng công bố cương lĩnh tranh cử]

Trong số các đảng đối lập, cho tới nay chỉ duy nhất đảng WP có 6 ghế tại quốc hội.

Nhân tố mới đáng chú ý của cuộc tổng tuyển cử năm 2020 là đảng PSP, do ông Tan Cheng Bock, cựu thành viên của đảng PAP, sáng lập và nhận được sự ủng hộ, tham gia của ông Lý Hiển Dương, em trai Thủ tướng Lý Hiển Long.

Trái với những đồn đoán ban đầu, ngày 30/6, ông Lý Hiển Dương đã không đăng ký tranh cử.

Khác với những kỳ bầu cử trước đây, do tình hình dịch bệnh COVID-19, những người ủng hộ không được phép có mặt, kể cả tụ tập xung quanh các trung tâm đề cử.

Theo quy định, mỗi ứng cử viên đăng ký tranh cử sẽ phải đặt cọc 13.500 đôla Singapore, và khoản đặt cọc này sẽ mất nếu ứng cử viên không đạt được 12,5% số phiếu bầu.

Cuộc tổng tuyển cử năm nay tại Singapore có một số điểm mới như tăng số ghế nghị sỹ lên 93 so với 89 hiện tại; tăng số ghế nghị sỹ đối lập từ 9 (cả nghị sỹ chính thức và nghị sỹ lựa chọn-NCMP) lên 12 ghế.

Có nghĩa là nếu các đảng đối lập chỉ giành được 6 ghế như hiện nay, sẽ có thêm 6 ghế NCMP - nghị sỹ đối lập thua cuộc có số phiếu bầu cao nhất.

Theo kế hoạch, các đảng sẽ bắt đầu bước vào giai đoạn vận động tranh cử kéo dài tới ngày 8/7.

Do quy định về giãn cách xã hội, vận động tranh cử trực tuyến sẽ là chủ đạo trong bầu cử năm nay. 

Ngày 9/7 sẽ là Ngày Hạ nhiệt, theo đó dừng toàn bộ các hoạt động tranh cử. Hơn 2,65 triệu cử tri Singapore sẽ đi bỏ phiếu vào ngày 10/7./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục