Bất ngờ lớn đã xảy ra trong cuộc bầu cử tổng thống chưa từng có trong lịch sử Argentina khi ứng cử viên của cánh hữu đối lập Mauricio Macri và ứng cử viên của liên minh cầm quyền cánh tả Sergio Scioli - giành được số phiếu ngang ngửa nhau và buộc phải đi tiếp vòng hai.
Điều này cho thấy sự chia rẽ mạnh mẽ trong đời sống chính trị Argentina sau 12 năm cầm quyền của đương kim Tổng thống Cristina Fernandez và chồng bà là cố Tổng thống Nestor Kirchner.
Có thể nói kết quả trên là “trái đắng” đối với ông Scioli do trong các cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử, ông luôn người giành được sự ủng hộ trước đối thủ Macri với cách biệt gần 10%.
Trái ngược với sự vui mừng tại đại bản doanh của ông Macri là bầu không khí im lặng bao trùm những người ủng hộ ông Scioli. Nước mắt và nụ cười là hai hình ảnh đối lập được các kênh truyền hình Argentina liên tục cập nhật vào đêm 25/10.
Cương lĩnh tranh cử của ông Macri và ông Scioli hoàn toàn đối lập nhau. Phương châm của ông Macri là "thay đổi". Ông tuyên bố sẽ mở ra một giai đoạn mới tại Argentina sau 12 năm cầm quyền của gia đình Tổng thống Kirchner với việc theo đuổi chính sách tự do mới, phản đối quốc hữu hóa, phá giá đồng tiền và không bảo hộ sản xuất trong nước.
Trong khi đó, phương châm của ông Scioli là "tiếp nối". Ông khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi các chương trình an sinh xã hội của chính phủ hiện nay, đồng thời bày tỏ người nghèo, người lao động và tầng lớp trung lưu luôn là trọng tâm của các chính sách.
Ông cũng chủ trương không tiến hành bất kỳ cuộc cải cách quy mô lớn nào. Bối cảnh mới cho thấy rõ ràng chủ trương “tiếp nối” mô hình mà người dân Argentina vẫn gọi là “Chủ nghĩa Kirchner” hiện đang bị “chiếu tướng.”
Lực lượng cánh tả cầm quyền ở Argentina 12 năm qua đã thực hiện được sứ mệnh lịch sử vô cùng quan trọng. Khi ông Kirchner nhậm chức tổng thống tháng 5/2003, Argentina đang chìm trong khủng hoảng không có lối thoát sau khi tuyên bố vỡ nợ cuối năm 2001 với số tiền lên tới 100 tỷ USD.
Tuy nhiên, sau 3 nhiệm kỳ cầm quyền của vợ chồng bà, Argentina là quốc gia duy nhất trên thế giới giảm tỷ trọng nợ nước ngoài trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong giai đoạn 2007-2014.
Hiện nợ của quốc gia Nam Mỹ này giảm xuống chỉ còn tương đương 9,7% GDP, bất chấp việc giới đầu cơ tài chính quốc tế luôn tìm cách phá hoại nền kinh tế đất nước. Lương tối thiểu của Argentina hiện ở mức gần 600 USD, tăng hơn 20 lần so với năm 2003 và cao nhất Mỹ Latinh.
Bên cạnh đó, khoảng 6 triệu người được hưởng trợ cấp hưu trí tối thiểu 400 USD, cũng là mức cao nhất tại khu vực này. Đầu tư cho giáo dục chiếm 6,3% ngân sách nhà nước và là tỷ lệ cao ở Mỹ Latinh.
Trong 10 năm trở lại đây, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh giảm đáng kể nhờ chính phủ gia tăng đầu tư cho ngành y tế. Tỷ lệ thất nghiệp tại Argentina hiện giảm xuống còn 6,9%, thấp hơn nhiều so với 17,3% trong năm 2003.
Trong giai đoạn 2002-2013, đã có 12 triệu người Argentina thoát nghèo. Hiện Argentina là nước có tỷ lệ người nghèo thấp nhất Mỹ Latinh, chỉ ở mức 4,7%.
Vị thế của Argentina trên trường quốc tế, đặc biệt là ở khu vực, đã được củng cố hơn bao giờ hết. Thế nhưng, dường như những điều đó vẫn chưa đủ để đáp ứng đòi hỏi và kỳ vọng của hơn 40 triệu người dân Argentian, với mức thu nhập bình quân đầu người gần 13.000 USD, đứng hàng thứ 60 thế giới.
Cho dù ai là chủ nhân tương lai của Nhà Hồng (Phủ Tổng thống) sau cuộc bầu cử vòng hai thì chắc chắn điều mà họ cần phải làm trong tương lai sẽ là một cuộc cải cách đáng kể trong các chính sách điều hành đất nước, điều mà nhiều cử tri đang đòi hỏi và đã được thể hiện qua lá phiếu của chính họ tại vòng một cuộc bầu cử./.