Bầu cử Tổng thống Mỹ - Quy trình bình bầu cử có một không hai trên thế giới

Người dân Mỹ không trực tiếp bầu Tổng thống mà họ dùng lá phiếu của họ (gọi là phiếu phổ thông) để chọn ra các “đại cử tri” trong bang, những người ủng hộ ứng cử viên mà họ muốn trở thành Tổng thống.
Nhân viên bầu cử chuẩn bị cho hoạt động bỏ phiếu sớm tại điểm bầu cử ở Marietta, bang Georgia (Mỹ). (Ảnh: Reuters/TTXVN)

Chỉ còn vài ngày nữa, nước Mỹ sẽ chính thức bước vào cuộc bầu cử Tổng thống 4 năm một lần (ngày 5/11/2024).

Cuộc chạy đua vào Nhà trắng hiện đang ở giai đoạn nước rút và diễn ra rất quyết liệt, khi ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ là bà Kamala Harris và của đảng Cộng hòa là ông Donald Trump đang bám đuổi nhau sít sao về tỷ lệ ủng hộ.

Trong lịch sử, các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ luôn là sự kiện được trông chờ và được coi là một trong những cuộc bầu cử gay cấn và kéo dài nhất thế giới.

Kể từ lúc bắt đầu tiến hành thăm dò dư luận để quyết định ứng cử cho đến khi trở thành Tổng thống là cả một quá trình phức tạp với nhiều giai đoạn bỏ phiếu.

Quá trình bầu cử Tổng thống Mỹ gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn bầu chọn các ứng cử viên của các đảng gọi là bầu cử sơ bộ (primary election) và giai đoạn chính thức bầu chọn Tổng thống từ trong số các ứng cử viên gọi là tổng tuyển cử (general election).

Ứng cử viên Tổng thống Mỹ phải thỏa mãn những tiêu chuẩn bắt buộc do Hiến pháp nước này quy định: không dưới 35 tuổi, đã sinh sống tại Mỹ liên tục trên 14 năm, là công dân Mỹ, và được sinh ra tại Mỹ.

Theo Hiến pháp, công dân Mỹ từ đủ 18 tuổi trở lên đều có quyền đi bỏ phiếu.

Giai đoạn bầu cử sơ bộ

Giai đoạn bầu cử sơ bộ là quá trình các đảng viên của các đảng lựa chọn ứng cử viên của đảng mình ra tranh cử Tổng thống, thường bắt đầu vào tháng 1 của năm bầu cử bằng các cuộc bầu cử sơ bộ tại các bang, kết thúc vào tháng 8 bằng Đại hội đại biểu toàn quốc của các đảng.

Tại các bang, cử tri các đảng bầu đại biểu của bang tham dự Đại hội đảng toàn quốc (số lượng đại biểu của từng bang do Ủy ban toàn quốc của đảng quyết định, căn cứ số lượng đảng viên và truyền thống chính trị).

Phần lớn các bang hiện nay tiến hành bầu cử sơ bộ theo hình thức "phổ thông đầu phiếu."

Cử tri xếp hàng bỏ phiếu sớm tại điểm bầu cử ở Atlanta, bang Georgia, ngày 14/12/2020. (Nguồn: Getty Images/TTXVN)

Tại Đại hội đảng toàn quốc, mỗi đảng sẽ chọn liên danh ứng cử viên Tổng thống và Phó Tổng thống và đề ra cương lĩnh tranh cử của mình.

Ứng cử viên độc lập hoặc của đảng thứ 3 (ngoài hai đảng lớn là Cộng hòa và Dân chủ) phải thu được chữ ký ủng hộ ra tranh cử của hàng trăm nghìn cử tri ở từng bang trong tất cả 50 bang của Mỹ mới được đưa vào danh sách ứng cử viên.

Sau khi quá trình chọn ứng cử viên hoàn tất, ứng cử viên được chọn sẽ bước vào chiến dịch quảng bá, vận động ở các bang. Ngoài ra, họ cũng thực hiện các cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình để cử tri hiểu rõ quan điểm, năng lực của từng ứng cử viên.

Các cuộc tranh luận - đối kháng trực tiếp trên truyền hình vốn là một nét đặc thù của bầu cử Tổng thống Mỹ, đóng vai trò quan trọng trong việc thu phục những lá phiếu của các cử tri còn do dự.

Không phải là những màn đăng đàn đầy ngẫu hứng, các cuộc tranh luận giữa ứng viên tổng thống hay phó tổng thống từ lâu đã được luật hóa và có những quy định đòi hỏi các nhân vật chính phải uyên bác trên nhiều lĩnh vực và bản lĩnh trình bày luận điểm trước công chúng.

Mục đích của những cuộc tranh luận là để cử tri biết rõ về quan điểm của ứng viên đối với các vấn đề khác nhau của đất nước.

Giai đoạn tổng tuyển cử

Đây là giai đoạn bầu chọn Tổng thống và Phó Tổng thống từ danh sách ứng cử viên. Tổng thống và Phó Tổng thống Mỹ không do công dân trực tiếp bầu ra, mà được bầu gián tiếp qua các đại cử tri (electors).

Về ngày bầu cử, luật pháp Mỹ quy định là ngày Thứ 3, nhưng phải ngay sau ngày Thứ 2 đầu tiên của tháng 11, các cử tri (công dân) ở các bang tiến hành bỏ phiếu trong cuộc bỏ phiếu phổ thông. (Theo quy định này, ngày tổng tuyển cử năm nay của Mỹ là ngày thứ Ba, 5/11/2024).

Tuy vậy nhiều người dân cũng có thể bỏ phiếu sớm bằng những hình thức như bỏ phiếu qua thư. Năm nay, bang Georgia của Mỹ đã tiến hành bỏ phiếu sớm bằng hình thức trực tiếp từ ngày 15/10/2024.

Khác với nhiều quốc gia trên thế giới, Mỹ không áp dụng hình thức tổng tuyển cử, tức người dân bầu trực tiếp cho Tổng thống, mà “ủy quyền” cho các đại cử tri, những người trực tiếp chọn ứng viên theo kết quả phiếu phổ thông của bang.

Điều này có nghĩa là, người dân Mỹ không trực tiếp bầu Tổng thống mà họ dùng lá phiếu của họ (gọi là phiếu phổ thông) để chọn ra các “đại cử tri” trong bang, những người ủng hộ ứng cử viên mà họ muốn trở thành Tổng thống. Đây gọi là quy trình bầu cử tri đoàn.

Thư ký bầu cử bang Ohio ấn dấu triện chính thức kết quả bầu cử Tổng thống và Phó Tổng thống Mỹ của các đại cử tri ở Columbus ngày 14/12/2020. (Ảnh: AP/TTXVN)

Trong tổng số 50 bang của Mỹ, mỗi bang sẽ được trao một số đại cử tri nhất định, phân bổ dựa trên quy mô dân số của mỗi bang, tương ứng số ghế trong Hạ viện và Thượng viện Mỹ.

Ví dụ như bang California là bang có dân số lớn nhất, có 55 đại cử tri. Ngược lại, Delaware, bang có dân số nhỏ nhất, chỉ có 3 đại cử tri.

Hiện Hạ viện Mỹ bao gồm 435 ghế, Thượng viện gồm 100 ghế. Riêng Quận Columbia không có đại diện tại Quốc hội nhưng được bầu 3 đại cử tri. Như vậy, tổng số đại cử tri tương ứng sẽ là 538.

Để chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ thì ứng cử viên phải giành được tối thiểu 270 phiếu đại cử tri.

Theo thể thức, vào ngày thứ Hai của tuần thứ ba của tháng 12 (năm nay sẽ là vào ngày 9/12/2024), các đại cử tri ở các bang sẽ tiến hành họp để bỏ phiếu bầu Tổng thống và Phó Tổng thống.

Tuy nhiên, thông thường thì ứng cử viên nào giành được thắng lợi trong cuộc bỏ phiếu phổ thông ở bang nào thì sẽ giành được phiếu của tất cả các đại cử tri của bang đó.

Chỉ có một ngoại lệ là 4 đại cử tri của bang Main và 5 đại cử tri của bang Nebraska là được quyền bỏ phiếu cho ứng cử viên theo tỷ lệ phiếu bầu của dân chúng. Đây là lệ riêng có từ thời thành lập Liên bang và điều này giúp lượng phiếu đại cử tri được phân bổ cho cả hai ứng viên, nhưng phần lớn thì vẫn nghiêng về người thắng cuộc.

Với hệ thống bầu cử như vậy, người ta thường có thể xác định được kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngay sau các cuộc bỏ phiếu phổ thông.

Tuy nhiên, do kết quả bầu Tổng thống Mỹ tuỳ thuộc vào số phiếu đại cử tri mà mỗi ứng cử viên Tổng thống thu được, nên điều này cũng có thể dẫn đến khả năng ứng cử viên dù giành được nhiều phiếu phổ thông hơn nhưng vẫn thua vì không giành được nhiều hơn phiếu đại cử tri.

Thực tế Hiến pháp Mỹ không quy định cử tri phải tuân theo quyết định của đa số phiếu bầu phổ thông, nên trong lịch sử Mỹ cũng đã từng xảy ra trường hợp đại cử tri bất tuân theo số phiếu phổ thông.

Theo lịch trình, Quốc hội sẽ kiểm phiếu đại cử tri vào đầu tháng 1 của năm Dương lịch tiếp theo. Tổng thống sẽ nhậm chức vào ngày 20/1.

Trong lịch sử Mỹ, đã có 5 Tổng thống thắng phiếu bầu đại cử tri dù thua đa số phiếu bầu phổ thông.

Ví dụ như vào năm 2000, Tổng thống George W.Bush nhận được 50,4 triệu phiếu phổ thông, ít hơn khoảng 500.000 phiếu so với đối thủ đảng Dân chủ Al Gore. Tuy nhiên ông Bush lại giành chiến thắng ở những bang có số đại cử tri cao, điều này giúp ông thu về 271 phiếu đại cử tri và trở thành Tổng thống Mỹ.

Hay như trong mùa bầu cử năm 2016, cựu Ngoại trưởng Hilary Clinton giành được nhiều hơn ông Trump gần 3 triệu phiếu phổ thông, song chỉ giành được 227 phiếu đại cử tri, trong khi ông Trump giành được 304 phiếu đại cử tri và trở thành người chiến thắng.

Thực tế trên cho thấy chế độ bầu cử thông qua đại cử tri ở Mỹ rất phức tạp. Các đại cử tri không bắt buộc phải bỏ phiếu cho ứng cử viên mà họ cam kết ủng hộ. Như vậy, khi kết quả bầu cử quá sít sao ở bang nào đó, ứng cử viên kém thế hơn về phiếu bầu hoàn toàn có thể tìm cách thuyết phục vài đại cử tri thay đổi ý kiến để bầu cho mình mà giành phần thắng.

Do thực tế đó, đã có rất nhiều ý kiến về việc có nên duy trì chế độ bầu cử qua đại cử tri hay không.

Những người tán thành chế độ đại cử tri thì lập luận rằng chế độ này đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng quan hệ giữa các bang và bảo vệ được lợi ích của các bang nhỏ.

Còn những người phản đối thì khẳng định đó là một phương cách bầu cử không coi trọng nguyện vọng của đa số, trái với quá trình vận động tranh cử, và tiềm tàng khả năng gây ra các cuộc khủng hoảng thể chế nghiêm trọng.

Nếu trong trường hợp không có ứng cử viên nào thu được đa số tuyệt đối phiếu đại cử tri (ví dụ như cả hai ứng cử viên đều được 269 phiếu), thì Hạ viện Mỹ sẽ quyết định ai sẽ trở thành Tổng thống, còn Thượng viện chọn Phó Tổng thống.

Trong lịch sử hiện đại Mỹ, trường hợp này mới xảy ra 2 lần, vào năm 1800 khi Hạ viện trực tiếp bầu ra Tổng thống là ông Thomas Jefferson, và vào năm 1824 Hạ viện bầu cho ông John Quincy Adams.

Có thể thấy rõ bầu cử Tổng thống Mỹ là một hệ thống vô cùng phức tạp. Mặc dù vậy nó vẫn luôn luôn thu hút sự chú ý và tốn nhiều giấy mực của giới truyền thông. Lý do là bởi Mỹ là cường quốc hàng đầu thế giới và mỗi một thay đổi, dù lớn hay nhỏ sẽ định hình diện mạo của nước Mỹ và một phần nào đó của cả thế giới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục