Giới chức ngân hàng châu Âu thận trọng trước nguy cơ chiến tranh thương mại mới

Ngày 12/11, các nhà hoạch định chính sách của ECB cảnh báo các chính sách bảo hộ từ chính quyền mới của Mỹ sẽ cản trở tăng trưởng toàn cầu và châu Âu cần phải chuẩn bị tốt hơn so với năm 2018.

Cờ EU tại trụ sở ECB ở Frankfurt, Đức. (Ảnh: Reuters/TTXVN)
Cờ EU tại trụ sở ECB ở Frankfurt, Đức. (Ảnh: Reuters/TTXVN)

Ngày 12/11, các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cảnh báo các chính sách bảo hộ từ chính quyền mới của Mỹ sẽ cản trở tăng trưởng toàn cầu và châu Âu cần phải chuẩn bị tốt hơn so với năm 2018.

Cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh ông Donald Trump vừa tái đắc cử Tổng thống Mỹ và sẽ trở lại Nhà Trắng vào cuối tháng 1/2025.

Trong chiến dịch vận động tranh cử, ông Trump tiếp tục thể hiện rõ lập trường trong lĩnh vực kinh tế, đó là giảm thâm hụt thương mại Mỹ bằng giải pháp tăng mạnh các rào cản thương mại, cụ thể tăng thuế 10% đối với hàng nhập khẩu từ tất cả các quốc gia nước ngoài và áp thuế 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Thống đốc Ngân hàng trung ương Phần Lan Olli Rehn nêu rõ việc tăng mức thuế đối với hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ có thể gây ra hậu quả bất lợi cho nền kinh tế thế giới.

Ông để ngỏ khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh thương mại mới trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị ngày nay càng gay gắt và châu Âu cần chuẩn bị cho tình huống này.

Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng trung ương Áo Robert Holzmann cảnh báo rằng những rào cản thương mại của Mỹ nếu được thực hiện sẽ khiến lãi suất và lạm phát của Mỹ tăng cao hơn, đồng thời gây áp lực tăng giá ở những nơi khác.

Ông Holzmann lập luận rằng nếu đồng USD ổn định và tiến gần đến mức ngang giá so với đồng euro, điều đó sẽ tác động đáng kể đến chi phí nhập khẩu, đặc biệt là đối với năng lượng, khiến ECB khó đạt được mục tiêu lạm phát 2% và có khả năng trì hoãn quá trình này.

Căng thẳng thương mại Mỹ và EU được cho là bắt đầu kể từ sau khi Washington đánh thuế 10% lên các mặt hàng nhôm và 25% đối với thép nhập khẩu từ EU, từ ngày 1/5/2018.

Đáp lại, ngày 22/6/2018, EU cũng chính thức đánh thuế nhằm vào các mặt hàng xuất khẩu trọng điểm của Mỹ trị giá hơn 3 tỷ USD, trong đó có quần jean, xe mô tô hạng nhẹ và rượu whisky…

Căng thẳng thương mại giữa hai bờ Đại Tây Dương tiếp tục tăng lên sau đó, với những “đòn ăn miếng trả miếng” liên tục.

Ông Olli Rehn cho rằng, trong phạm vi nhiệm vụ của mình, ECB phải đóng vai trò là "mỏ neo" giúp ổn định kinh tế và tài chính trong bối cảnh đầy thách thức hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Đồng won của Hàn Quốc. (Ảnh: freepik/TTXVN)

Xếp hạng tín dụng của Hàn Quốc vẫn ổn định

Bộ trưởng Tài chính đã nhấn mạnh rằng các hệ thống quản lý và giám sát tài chính tiền tệ của Chính phủ Hàn Quốc, bao gồm thị trường và các cơ chế quản lý khủng hoảng, đang hoạt động bình thường.