Hải quan tăng cường chống buôn lậu dịp cuối năm, trị giá hàng vi phạm tăng

Số vụ buôn lậu, gian lận thương mại trong tháng 11 giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái, song trị giá lại tăng mạnh 140%, dẫn đến số thu ngân sách Nhà nước từ xử lý vi phạm tăng 242%.

Cơ quan Hải quan đã phát hiện, xử lý 1.666 vụ vi phạm trong tháng 11, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính gần 3.000 tỷ đồng. (Ảnh: Vietnam+)
Cơ quan Hải quan đã phát hiện, xử lý 1.666 vụ vi phạm trong tháng 11, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính gần 3.000 tỷ đồng. (Ảnh: Vietnam+)

Ngày 12/12, thông tin từ Tổng cục Hải quan cho biết tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tháng 11, tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt là sự gia tăng đáng kể về trị giá hàng hóa vi phạm. Theo đó, ngành Hải quan sẽ đẩy mạnh các biện pháp phòng chống, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Theo báo cáo, số vụ buôn lậu, gian lận thương mại trong tháng 11 có giảm 19% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, trị giá hàng hóa vi phạm lại tăng mạnh 140%. Đáng chú ý, số vụ vi phạm hành chính tăng, dẫn đến số thu ngân sách Nhà nước từ xử lý vi phạm tăng 242% so với cùng kỳ năm trước.

Tuyến đường biển trở thành điểm nóng về buôn lậu, chiếm tới 55% tổng số vụ phát hiện, tăng 705% so với cùng kỳ năm trước. Ngược lại, các vụ vi phạm tại tuyến đường bộ và hàng không đều giảm lần lượt 70% và xấp xỉ 38%. Bên cạnh đó, số vụ việc có dấu hiệu hình sự và chuyển khởi tố cũng giảm đáng kể, 77% so với cùng kỳ.

Cơ quan Hải quan lưu ý tình trạng lợi dụng chính sách miễn thuế để trốn thuế đang nổi lên tại các khu công nghiệp ngoài cửa khẩu. Cụ thể, một số đối tượng đã "sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng miễn thuế không đúng mục đích mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan hải quan" để trốn thuế.

Các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép pháo nổ, đường kính trắng vẫn tiếp diễn tại miền Trung và biên giới Việt-Lào. Tại các khu vực giáp biên giới Việt-Trung, Việt-Campuchia, tình trạng buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, đặc biệt là thực phẩm đông lạnh, hàng tiêu dùng, thuốc lá, vẫn phức tạp. Thêm vào đó, việc vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ vàng qua biên giới cũng có dấu hiệu gia tăng ở tuyến biên giới Tây Nam, đặc biệt tại An Giang.

Trước tình hình trên, Tổng cục Hải quan đã triển khai nhiều biện pháp tăng cường công tác chống buôn lậu. Cơ quan này đã trình Bộ Tài chính dự thảo Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 và ban hành kế hoạch riêng của ngành. Tổng cục Hải quan đã tăng cường cảnh báo, hướng dẫn toàn ngành về phòng chống dịch tả lợn Châu Phi theo chỉ thị của Chính phủ.

Như vậy, Hải quan đã phát hiện, xử lý 1.666 vụ vi phạm trong tháng, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính gần 3.000 tỷ đồng. Lũy kế 11 tháng, con số này lên tới 16.390 vụ, trị giá gần 30.000 tỷ đồng. Về đấu tranh chống ma túy, Hải quan đã bắt giữ 15 vụ với 16 đối tượng trong tháng 11, thu giữ hơn 100kg ma túy các loại. Trong 11 tháng, Ngành đã xử lý 275 vụ với 328 đối tượng bị bắt, thu giữ hơn 2 tấn ma túy các loại. Những nỗ lực này cho thấy quyết tâm của ngành Hải quan trong việc bảo vệ an ninh kinh tế và trật tự an toàn xã hội, đặc biệt trong bối cảnh cuối năm.

Ngoài ra, Tổng cục Hải quan cho biết đang tích cực tham gia các chiến dịch quốc tế như Chiến dịch Con Rồng Mê Kông VI và Chiến dịch Twin Guardian II hợp tác với Hải quan Hàn Quốc. Hiện, Ngành đang hoàn thiện các quy trình xử lý vi phạm hành chính và ma túy đồng thời ban hành tiêu chuẩn định mức sử dụng tài sản là valy thuốc thử ma túy và tiền chất./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Đại biểu tham dự lễ khánh thành Làng văn hóa Việt–Nhật. (Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN)

Khánh thành Làng văn hóa Việt-Nhật tại Long An

Làng văn hóa Việt-Nhật có diện tích gần 7.000m2, nằm trong khu đô thị tích hợp Waterpoint, Long An, là công trình mang tính biểu tượng cho tình hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản.