Bầu Tổng thống Pháp: Khẩu chiến giữa ứng cử viên Fillon và Macron

Ứng cử viên cánh hữu Fillon liên tục "bắn đi các mũi tên" hướng vào nhà lãnh đạo "Tiến bước" Macron ​- người cùng với bà Le Pen, Chủ tịch FN đang dẫn đầu các cuộc thăm dò về tỷ lệ ủng hộ.
Ứng cử viên Jean-Luc Melenchon trong chiến dịch vận động tranh cử ở Rennes, miền Tây Pháp ngày 26/3 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ứng cử viên cánh hữu Francois Fillon đã liên tục "bắn đi các mũi tên" hướng vào nhà lãnh đạo phong trào "Tiến bước" Emmanuel Macron ​- người cùng với bà Marine Le Pen, Chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN) - đang dẫn đầu các cuộc thăm dò về tỷ lệ ủng hộ.

Đối với cựu Thủ tướng Francois Fillon, ứng cử viên trẻ 39 tuổi này là đối thủ cần phải "hạ gục" đầu tiên hòng làm thay đổi cán cân để ông có thể đi tiếp sau cuộc bầu cử vòng một ngày 23/4 sắp tới.

​Phát biểu chiều 9/4 trước hàng chục nghìn người ủng hộ tại trung tâm triển lãm Porte de Versailles ở thủ đô Paris, ông Fillon đã không tiếc lời đả kích cựu Bộ trưởng Kinh tế của chính phủ của Tổng thống Francois Hollande, đặt tên là "Emmanuel Hollande" - ghép từ tên của hai người.

Ông tuyên bố ứng cử viên Macron là "người thừa kế trẻ "của Tổng thống Hollande - người vốn không được lòng người dân, là "kẻ mạo danh" với chiến lược quảng bá "trống rỗng."

Theo ông, nếu ứng cử viên Macron trở thành tổng thống, nước Pháp sẽ lại có thêm "5 năm phí hoài với các biện pháp nửa vời, các cơ hội bị bỏ lỡ," "5 năm của sự thụt lùi và 5 năm tìm kiếm đa số trong Quốc hội."

Trước đó, cựu Thủ tướng Fillon cũng đã cho rằng chỉ với thời gian 2 năm làm bộ trưởng, lại chưa từng là nghị sỹ, ông Macron không có kinh nghiệm trên chính trường. Vì vậy, nếu trở thành tổng thống, ông Macron sẽ đưa nước Pháp vào một "cuộc phiêu lưu."

Trong chương trình "Khách mời" tối ngày 9/4 trên kênh truyền hình BFMTV, ứng cử viên Macron đã "phản pháo" khi cho rằng việc ông Fillon dành 1/3 thời gian của buổi vận động để tấn công đối thủ không phải là điều mà người dân Pháp mong đợi.

Ông nhấn mạnh hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc làm của mình và khi quyết định ra tranh cử tổng thống, ông đã từ chức Bộ trưởng Kinh tế, rằng ông không thể vừa là "người thừa kế" của Hollande và "kẻ phản bội" như cách gọi của một số người trong phe cánh tả vì đã rời bỏ chính phủ.

Báo chí Pháp cho rằng sở dĩ ông Fillon tập trung "ra đòn" nhằm vào ứng cử viên Macron vì đây là khoảng thời gian nước rút để ông có thể tác động đến các cử tri cho đến nay vẫn còn do dự.

Cựu Thủ tướng Fillon cũng đề cao chương trình tranh cử của mình là "chương trình tốt nhất cho nước Pháp" với hai quan điểm nền tảng là các biện pháp tự do về kinh tế và kiên quyết về các vấn đề liên quan đến an ninh, quốc phòng.

Ông đồng thời kêu gọi cử tri bỏ phiếu vì một sự lựa chọn khác cho nước Pháp.

Đến thời điểm này, cuộc đua vào Điện Elysee đã trở thành cuộc đọ sức giữa 4 ứng cử viên có tỷ lệ ủng hộ cao nhất là Emmanuel Macron, Marine Le Pen, Francois Fillon và nhà lãnh đạo phong trào Nước Pháp bất khuất, ông Jean-Luc Melenchon.

Càng gần đến ngày diễn ra cuộc bầu cử tổng thống vòng một (23/4 tới), tỷ lệ ủng hộ càng bị thu hẹp giữa 4 ứng cử viên đang dẫn đầu cuộc đua.

Tuy nhiên, theo cuộc thăm dò do Kantar Sofres thực hiện ngày 9/4, hai ứng cử viên Macron và bà Marine Le Pen vẫn là những người có cơ hội cao nhất để lọt vào vòng hai khi đều giành được 24% tỷ lệ ủng hộ.

Ứng cử viên đại diện cho phe cực tả Jean-Luc Melenchon đã có sự bứt phá ngoạn mục, tăng 6 điểm, đạt 18%, vươn lên vị trí thứ ba trong khi ứng cử viên François Fillon tụt xuống vị trí thứ tư với 17%.

Theo quy định của luật bầu cử Pháp, bắt đầu từ ngày 10/4 cho đến diễn ra cuộc bầu cử vòng hai (7/5 tới), các kênh truyền hình Pháp phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định bình đẳng về thời lượng cho các ứng cử viên và người ủng hộ, bất kể họ là ứng cử viên nặng ký hay ứng cử viên đại diện cho các đảng nhỏ.

Hội đồng Cao cấp quốc gia về nghe nhìn (CSA) sẽ là cơ quan giám sát quy định trên. Tuy nhiên, quy định này không liên quan đến các thông tin trên báo giấy và mạng Internet./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục