Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, chiều 12/3, Đối thoại ASEAN-Ấn Độ lần thứ 7 đã bế mạc sau hai ngày làm việc.
Trong khuôn khổ cuộc Đối thoại, diễn ra tại trụ sở của Viện nghiên cứu và phân tích quốc phòng (IDSA) Ấn Độ ở trung tâm New Delhi, giới học giả thuộc các viện nghiên cứu Ấn Độ và các nước thành viên ASEAN đã tập trung thảo luận 4 nhóm chủ đề chính, gồm địa-chính trị, văn hóa-xã hội, kinh tế và cách thức tiến lên phía trước.
Các học giả đã thảo luận sôi nổi về nhiều vấn đề trong các nhóm chủ đề trên, trong đó có vấn đề an ninh hàng hải, an ninh mạng, xây dựng xã hội tri thức, phát triển giáo dục và kỹ năng, tăng cường các mối liên kết văn hóa, liên kết các hệ thống sản xuất khu vực, phát triển hạ tầng và kết nối, hợp tác phát triển năng lượng, cách thức tiến lên phía trước với những khuynh hướng tương lai đối với quan hệ ASEAN-Ấn Độ….
Đặc biệt vấn đề an ninh hàng hải và an ninh mạng rất được quan tâm. Tham luận về "Hợp tác an ninh hàng hải của Ấn Độ tại Biển Đông” do diễn giả Abhijit Singh, chuyên viên nghiên cứu tại IDSA, trình bày đã thu hút sự chú ý của các đại biểu tham dự Đối thoại.
Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Vũ Tùng cũng trình bày tham luận về vấn đề an ninh hàng hải và trả lời chất vấn của các đại biểu về an ninh hàng hải trên Biển Đông.
Phát biểu tại phiên bế mạc, Thứ trưởng Ngoại giao Ấn Độ phụ trách phương Đông, ông Anil Wadhwa, nêu rõ Ấn Độ và ASEAN cùng chia sẻ tầm nhìn về một châu Á hòa bình, thịnh vượng và trỗi dậy, góp phần tăng cường hòa bình và an ninh toàn cầu.
Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải biến tầm nhìn này thành hiện thực và đưa quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Ấn Độ lên tầm cao mới.
Trong khi nêu bật sự phát triển quan hệ chiến lược Ấn Độ-ASEAN kể từ năm 2012, ông Wadhwa lưu ý ngày nay quan hệ với ASEAN là một trong những hòn đá tảng trong chính sách ngoại giao của Ấn Độ và là nền móng của chính sách "Hành động phía Đông."
Hai bên đã có sự hợp tác sâu rộng trong 3 trụ cột quan hệ, gồm chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội trong hơn hai thập kỷ qua.
Về vai trò hiện nay của châu Á, Thứ trưởng Wadhwa cho rằng với sự hình thành các cấu trúc chính trị, kinh tế và an ninh, châu Á tiếp tục nắm những trách nhiệm mới.
ASEAN và Ấn Độ đã và sẽ là những đối tác tự nhiên trong việc xác định và giải quyết những yêu cầu chung về phát triển kinh tế và thịnh vượng.
ASEAN và Ấn Độ đã cùng nhau phối hợp tại Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vực ASEAN, ADMM+ và Diễn đàn hàng hải ASEAN mở rộng, vốn có những sáng kiến quan trọng cho một cấu trúc khu vực mở và toàn diện.
Ông Wadhwa nhấn mạnh sự cần thiết phải tạo môi trường khu vực hòa bình, ổn định và vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực, tăng cường hợp tác Ấn Độ-ASEAN về an ninh hàng hải, tự do hàng hải và tìm giải pháp hòa bình cho các mối tranh chấp theo luật pháp quốc tế.
Ông cũng kêu gọi hai bên hợp tác sâu hơn trong lĩnh vực trợ giúp nhân đạo, cứu trợ trong trường hợp xảy ra thảm họa, hợp tác chống cướp biển, chống chủ nghĩa khủng bố và an ninh mạng…
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN bên lề Đối thoại, Đại sứ Tôn Sinh Thành, trưởng Đoàn đại biểu Việt Nam, cho biết Đối thoại ASEAN-Ấn Độ lần thứ 7 là tiến trình đối thoại giữa chính phủ và giới học giả, nhưng lần này thêm điểm mới là có cả đối thoại doanh nghiệp.
Tại Đối thoại lần này, các đại biểu đã thảo luận về những cơ hội tăng cường hợp tác giữa ASEAN và Ấn Độ khi Cộng đồng kinh tế ASEAN ra đời vào cuối năm nay, hay từ chương trình cải cách của Ấn Độ do Thủ tướng Nerendra Modi phát động. Bên cạnh đó cũng có nhiều thách thức, đặc biệt là thách thức an ninh hàng hải, an ninh mạng.
Tại Đối thoại, các đại biểu đã đưa ra nhiều đề xuất như tăng cường kết nối, biến các chương trình thành hành động cụ thể, tăng cường sự có mặt toàn diện của Ấn Độ tại Đông Nam Á, cũng như sự có mặt của các nước Đông Nam Á tại thị trường Ấn Độ, sự tham gia tích cực hơn nữa của Ấn Độ vào các cơ chế hợp tác khu vực như Diễn đàn hợp tác Đông Á, Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), ADMM+…, qua đó Ấn Độ sẽ góp phần thúc đẩy thực hiện các nguyên tắc ứng xử tại Biển Đông.
Ấn Độ có thế mạnh về công nghệ thông tin nên có thể hợp tác với các nước ASEAN để đảm bảo an ninh mạng ở khu vực.
Đại sứ Tôn Sinh Thành cho rằng các hiệp định tự do thương mại về dịch vụ và đầu tư, được Ấn Độ và ASEAN ký năm ngoái và dự kiến sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay, sẽ tạo cơ hội rất lớn để khai thác các tiềm năng hợp tác kinh tế giữa hai bên.
Với thế mạnh về dịch vụ, Ấn Độ có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu dịch vụ sang ASEAN. Các hiệp định tự do thương mại về dịch vụ, đầu tư và hàng hóa thúc đẩy kim ngạch thương mại song phương tăng gấp nhiều lần. Hiện nay kim ngạch thương mại hai chiều đạt gần 80 tỷ USD và hy vọng hai bên sẽ đạt mục tiêu 200 tỷ USD vào năm 2020.
Theo Đại sứ Tôn Sinh Thành, tăng cường kết nối là vấn đề lớn và đóng vai trò rất quan trọng trong hợp tác chiến lược giữa Ấn Độ và ASEAN.
Hiện hai bên đang trao đổi và đã có các chương trình thực hiện kết nối trong tất cả các lĩnh vực, trước hết là kết nối về vật thể - tức kết nối về đường bộ, đường không và đường biển; thứ hai là kết nối về thể chế, nhất là các thể chế hiện có như các tổ chức thương mại.
Thời gian tới, hai bên hướng tới thiết lập cơ chế hợp tác, đối tác khu vực toàn diện.
Bên cạnh đó, hai bên cũng đang thảo luận các biện pháp, xây dựng các chương trình kết nối giao lưu nhân dân.
Đáng chú ý, Ấn Độ đã có những đề xuất, tổ chức các chương trình cho các nhà ngoại giao, thanh niên, nhà báo ASEAN sang thăm Ấn Độ. ASEAN cũng cần có các chương trình tăng cường kết nối với phía Ấn Độ, như kết nối học giả.
Tại Đối thoại lần này, vấn đề kết nối đã được coi trọng và tập trung thảo luận, do đó hy vọng trong thời gian tới tiến trình kết nối giữa ASEAN và Ấn Độ sẽ có những bước tiến, góp phần thức đẩy quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa hai bên./.