Từ ngày 21-23/3, Tòa án Nhân dân tỉnh Bến Tre mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Ngô Hồng Nam (40 tuổi, cựu cán bộ Trạm Y tế phường 8, thành phố Bến Tre) và 48 bị cáo là bác sỹ, y dược sỹ, điều dưỡng, giáo viên vì đặt mua chứng chỉ ngoại ngữ, tin học giả để nộp hồ sơ xét tuyển dụng, thăng hạng viên chức.
Các bị cáo bị xét xử về tội "Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức và sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức," theo điều 341 Bộ luật Hình sự.
Hội đồng xét xử tuyên bị cáo Ngô Hồng Nam mức án 5 năm 3 tháng tù giam, đồng thời buộc bị cáo phải nộp phạt bổ sung 10 triệu đồng vì hai hành vi: Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức và sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức.
Cùng các hành vi này, 13 bị cáo khác lĩnh mức án thấp nhất từ 1 năm 6 tháng cải tạo không giam giữ đến 3 năm 6 tháng tù. 10 người bị cáo khác lĩnh từ 9 tháng đến 2 năm tù, cho hưởng án treo về tội làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức.
25 người còn lại có hành vi sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức nhận mức án từ 9 tháng đến 2 năm cải tạo không giam giữ.
Trong quá trình điều tra vụ án hình sự Dương Hữu Hưng và Dương Văn Lạng cùng các đồng phạm, về tội: "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Giả mạo trong công tác" và "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức" xảy ra tại tỉnh Hưng Yên, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hưng Yên đã thu giữ được tài liệu liên quan đến thông tin của nhiều người đặt mua các chứng chỉ tiếng Anh và tin học có địa chỉ tại tỉnh Bến Tre.
Sau đó, cơ quan điều tra tỉnh Bến Tre xác định có 49 người liên quan và đã điều tra khởi tố vụ án, cho các bị cáo được tại ngoại, nhưng cấm đi khỏi nơi cư trú.
[Thanh Hóa khai trừ khỏi Đảng Bí thư Đảng ủy phường dùng bằng giả]
Theo cáo trạng, năm 2016, bị cáo Ngô Hồng Nam cần chứng chỉ tiếng Anh B1 để hợp thức hóa hồ sơ và đã lên mạng Internet đặt mua với giá 1,2 triệu đồng.
Sau khi biết Nam mua được chứng chỉ không cần phải thi, nhiều đồng nghiệp đã nhờ Nam mua chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.
Từ năm 2016 đến năm 2020, Nam đã mua hộ 61 chứng chỉ giả cho 48 người liên quan, giá từ 900.000 đồng đến 2,5 triệu đồng/chứng chỉ, tùy thời điểm. Phía làm giả trích hoa hồng 200.000 đồng mỗi chứng chỉ cho Nam.
Nam cũng nâng giá chứng chỉ khi đặt mua cho người khác để hưởng tiền chênh lệch, tổng số tiền thu lợi 9.700.000 đồng.
Những người từng nhờ Nam mua chứng chỉ sau đó tiếp tục giới thiệu với những người khác tham gia đường dây. Trong đó, có các bác sỹ, y, dược sỹ, điều dưỡng, giáo viên đã nộp chứng chỉ giả vào hồ sơ xét tuyển dụng, thăng hạng viên chức.
Đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, ảnh hưởng đến công tác quản lý tài liệu của cơ quan nhà nước.
Trong vụ án, Ngô Hồng Nam là đầu mối liên lạc, có vai trò chính, phải xử nghiêm; 48 bị cáo còn lại có vai trò giúp sức; một số bị cáo chỉ mua chứng chỉ để sử dụng cho cá nhân hoặc mua giúp người khác (vợ mua cho chồng, mẹ mua cho con).
Tại phiên tòa, các bị cáo tỏ ra ăn năn, xin tòa cho mức án thấp nhất để tiếp tục công tác, chuộc lại lỗi lầm. Các bị cáo cho rằng do bận công tác, đi học, có con nhỏ nên không có thời gian thi chứng chỉ. Các bị cáo đã chủ quan, suy nghĩ đơn giản khi mua bằng giả mà không lường trước được hậu quả.
Hội đồng xét xử nhận định hành vi các bị cáo nguy hiểm cho xã hội, tuy nhiên, phần lớn các bị cáo lần đầu phạm tội, thành khẩn khai báo, có thành tích chống dịch được khen thưởng, nên hội đồng xét xử xét thấy cần tuyên mức án phù hợp để răn đe./.