Bến Tre: Sẽ phát triển 4.000ha tôm nuôi nước lợ ứng dụng công nghệ cao

Trong vài năm gần đây nhờ thực hiện chủ trương phát triển về hướng Đông của tỉnh, Bến Tre đặt mục tiêu cụ thể phát triển 4.000ha tôm nuôi ứng dụng công nghệ cao vào năm 2025.
Nông dân xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre thu hoạch tôm thẻ nuôi ứng dụng công nghệ cao. (Ảnh: Công Trí/TTXVN)

Mô hình nuôi tôm nước lợ theo hướng ứng dụng công nghệ cao liên tục phát triển mạnh ở Bến Tre trong vài năm gần đây nhờ thực hiện chủ trương phát triển về hướng Đông của tỉnh, với mục tiêu cụ thể là phát triển 4.000ha tôm nuôi hình thức này vào năm 2025.

Giá tôm nguyên liệu liên tục đứng ở mức thấp và “chạm đáy” so với các năm, khiến người nuôi tôm gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, người nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao ở Bến Tre vẫn có lãi và mô hình này ngày càng hấp dẫn nông dân ở các địa phương ven biển.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre, mô hình nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao ngày càng khẳng định được sự phù hợp với bối cảnh hiện nay và đạt hiệu quả kinh tế cao. Cụ thể, đó là phát triển kỹ thuật canh tác, cải tiến công nghệ để nâng cao năng suất, giảm thiểu rủi ro, tiết kiệm nguồn lực nói chung và chi phí vận hành nói riêng; đồng thời hiện đại hóa hoạt động nuôi trồng thủy sản.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bến Tre, tỉnh hiện có khoảng 36.000ha tôm nuôi nước lợ; trong đó có khoảng 12.500ha tôm nuôi thâm canh bán thâm canh, tập trung tại 3 huyện ven biển là Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú.

Để phát triển mô hình nuôi tôm công nghệ cao, thời gian qua, tỉnh Bến Tre đã chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi (hạ tầng giao thông, điện, thủy lợi) ở các địa phương ven biển.

Ông Lê Văn Sấm, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, cho biết trong giai đoạn hiện nay khi giá tôm nguyên liệu trồi sụt thất thường, nông dân nuôi tôm công nghệ cao sẽ cho lợi nhuận lớn hơn nhiều cao so với cách nuôi truyền thống, nếu như giá bán tốt.

"Bà con cần thay đổi mô hình nuôi thì mới có lãi, dù hơi thấp so với trước. Nếu như trước đây, người nuôi tôm có thể có lợi nhuận từ 50.000-70.000 đồng/kg, hiện nay mỗi kg tôm chỉ có thể lãi từ 20.000-40.000 đồng. Với giá tôm hiện tại, người bà con phải giảm chi phí đầu vào mới có lợi nhuận. Nếu vẫn nuôi theo phương pháp truyền thống sẽ không có lãi," ông Sấm phân tích.

Nông dân xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre thu hoạch tôm thẻ nuôi ứng dụng công nghệ cao. (Ảnh: Công Trí/TTXVN)

Ông Lê Văn Sấm chia sẻ sau hơn 5 năm chuyển sang mô hình nuôi tôm công nghệ cao, hiệu quả kinh tế gia đình rất tốt. Đến nay, gia đình ông phát triển tổng diện tích nuôi tôm công nghệ cao đạt 45ha. Với diện tích trên, mỗi năm thu hoạch khoảng 500-700 tấn tôm nguyên liệu, lợi nhuận khoảng 40 tỷ đồng.

Ông Huỳnh Văn Cung, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bến Tre, cho biết muốn nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao mật độ nuôi phải 200 con trở lên, có hệ thống xi phông xử lý đáy ao thường xuyên, giữ cho ao nuôi luôn sạch để nuôi kéo dài. Đồng thời, quy trình áp dụng hiện nay là hạn chế thay nước, giảm lượng nước thay, tái sử dụng nước để hạn chế mầm bệnh từ bên ngoài vào.

Chính nhờ ưu điểm này nên mô hình cách ly được dịch bệnh giai đoạn đầu, quản lý chặt chẽ yếu tố thủy lý, thủy hóa, nuôi mật độ cao, quản lý tốt được thức ăn và môi trường, nâng cao tỷ lệ sống. Nuôi tôm lên cỡ lớn, tạo điều kiện tăng năng suất sản lượng trên một đơn vị diện tích và đặc biệt là thuận lợi cho việc xử lý chất thải trong vụ nuôi.

Năng suất của mô hình đạt khoảng 60-70 tấn/ha mặt nước, có thể nuôi quanh năm nên mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Vì vậy, mô hình đã nhanh chóng được người nuôi nhân rộng và ngày càng khẳng định là mô hình nuôi tiến bộ, phù hợp.

Ông Lê Minh Truyền, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, cho biết hiện đơn vị đang triển khai hai dự án đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi ở các huyện Ba Tri và Bình Đại. Riêng dự án hạ tầng ở huyện Thạnh Phú đang làm đề xuất đầu tư để đưa vào sử dụng vốn trung hạn giai đoạn tới. Nếu các dự án này hoàn thành là tiền đề rất tốt cho việc kêu gọi đầu tư nuôi tôm công nghệ cao trên địa bàn các huyện trong thời gian tới.

Cụ thể, tỉnh Bến Tre đang triển khai Dự án hạ tầng vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, với diện tích hơn 27ha. Dự án nhằm đảm bảo hạ tầng giao thông, điện phục vụ sản xuất ổn định, bền vững cho vùng nuôi trồng thủy sản khoảng 2.000ha; trong đó có 500ha được quy hoạch nuôi tôm theo mô hình công nghệ cao tại xã Bảo Thuận và thị trấn Tiệm Tôm, huyện Ba Tri.

Dự án bao gồm các hạng mục như đầu tư xây dựng 6 tuyến đường giao thông phục vụ sản xuất có chiều dài khoảng 18,483km đạt tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn cấp A, đường cấp V, cấp VI đồng bằng và các công trình trên tuyến (1 cầu và 18 cống); xây dựng mới tuyến điện trung thế 3 pha dài 24,212km. Tổng mức đầu tư 164 tỷ đồng. Đến nay, dự án đang thi công các tuyến đường và các cống qua đường, khối lượng đạt khoảng 75% giá trị hợp đồng, dự kiến đến cuối năm nay hoàn thành để phục vụ nhu cầu nuôi công nghệ cao.

Riêng tại huyện Bình Đại, dự án sẽ được khởi công trong tháng Chín này với tổng mức đầu tư khoảng 80 tỷ đồng. Ngoài hai dự án này, tỉnh Bến Tre cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét hỗ trợ đầu tư xây dựng dự án hạ tầng vùng nuôi tôm công nghệ cao huyện Thạnh Phú, khoảng 300 tỷ đồng.

Nông dân xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre thu hoạch tôm thẻ nuôi ứng dụng công nghệ cao. (Ảnh: Công Trí/TTXVN)

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bến Tre Nguyễn Văn Buội cho hay tỉnh sẽ tập trung quyết liệt đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng vùng nuôi tôm công nghệ cao ở các huyện Thạnh Phú và Ba Tri. Riêng huyện Thạnh Phú, có một số dự án lồng ghép cũng tập trung đầu tư hạ tầng vùng nuôi tôm công nghệ cao.

Ngoài ra, ngành chức năng tập trung quản lý chất lượng tôm giống để phục vụ nhu cầu cho các cơ sở nuôi tôm công nghệ cao; trong đó, quan trọng nhất là nguồn gốc, chất lượng tôm để việc xuất khẩu tôm ổn định và hiệu quả, ông Nguyễn Văn Buội nhấn mạnh.

Với những kết quả mà kế hoạch phát triển 4.000ha tôm nuôi nước lợ theo hướng ứng dụng công nghệ cao đạt được, Bến Tre đã xây dựng được vùng nguyên liệu lớn, chất lượng cao, đảm bảo yêu cầu sản xuất hàng hóa và chế biến xuất khẩu.

Tỉnh Bến Tre đang tập trung thực hiện các giải pháp tổ chức lại hoạt động sản xuất theo hướng liên kết hợp tác, liên kết sản xuất dựa trên các hộ cơ sở nuôi phân tán, nhỏ lẻ thành các tổ hợp tác, hợp tác xã gắn với doanh nghiệp cung cấp nguyên vật liệu đầu vào, bao tiêu sản phẩm đầu ra. Qua đó, làm tiền đề để thực hiện thành công chuỗi giá trị tôm biển của tỉnh.

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre, sau hơn 3 năm triển khai Kế hoạch phát triển 4.000ha nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ cao tại địa phương đã đạt kết quả khả quan.

Đến nay, tỉnh Bến Tre phát triển 3.509/4.000ha tôm nuôi ứng dụng công nghệ cao, đạt 87,73 % so kế hoạch giai đoạn 2021-2025; trong đó, Bình Đại đạt 1.754ha, Thạnh Phú 1.328ha và Ba Tri 427ha. Sản lượng tôm ứng dụng công nghệ cao bình quân hàng năm đạt 50.000 tấn/năm, chiếm 50% sản lượng tôm nước lợ toàn tỉnh.

Trên cơ sở các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, ngành nông nghiệp Bến Tre cũng đã phối hợp với các doanh nghiệp chế biến, các đơn vị tư vấn giúp hộ nuôi thực hiện tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu.

Đến nay, Bến Tre đã xây dựng được vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đạt chuẩn ASC với quy mô 90ha và 96ha tôm ứng dụng công nghệ cao đạt chứng nhận BAP (thực hành nuôi trồng thủy sản tốt nhất) tại huyện Thạnh Phú. Hiện, địa phương đang xây dựng khoảng 200 ha theo chứng nhận ASC tại huyện Bình Đại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục