Có tới hơn 60% dân số Chile, Ecuador và Mexico đang thừa cân hoặc béo phì, khiến nền kinh tế các nước này thiệt hại hàng chục tỷ USD mỗi năm, đồng thời làm tăng nguy cơ mắc bệnh tật nguy hiểm, qua đó trở thành gánh nặng đối với ngành y tế.
Theo báo cáo công bố ngày 25/4 của Chương trình Lương thực thế giới (WFP) và Ủy ban Kinh tế khu vực Mỹ Latinh và Caribe (ECLAC), mặc dù số người bị đói tại khu vực này đã giảm một nửa trong 25 năm qua, béo phì lại đang trở thành một bệnh dịch nguy hiểm.
Việc thay đổi chế độ ăn uống, đặc biệt ngày càng có nhiều thực phẩm có hàm lượng đường, muối, chất béo cao, cùng với lối sống "lười" vận động là nguyên nhân làm gia tăng số người béo phì.
Tại Mỹ Latinh, hội chứng béo phì xuất hiện ngày càng nhiều ở những người nghèo, đặc biệt là phụ nữ. Trong khi đó, tại Mexico - quốc gia đối diện với một trong những cuộc khủng hoảng béo phì trầm trọng nhất thế giới - có tới 74% nữ giới thừa cân hoặc béo phì, cao hơn so với tỷ lệ 70% ở nam giới.
Các chuyên gia thậm chí dự báo trong 6 thập kỷ tới, bệnh nhân thừa cân, béo phì sẽ "ngốn" tới 13 tỷ USD mỗi năm tại Mexico, cũng như khiến Ecuador và Chile thiệt hại lần lượt khoảng 3 tỷ USD và 1 tỷ USD.
WFP cảnh báo béo phì - có thể dẫn tới bệnh đái tháo đường tuýp 2, ung thư và tim mạch - tiềm ẩn nguy cơ trở thành gánh nặng xã hội và kinh tế lớn nhất tại các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe.
Trước thực tế trên, báo cáo của Liên hợp quốc đã hối thúc các công ty thực phẩm thể hiện vai trò lớn hơn nữa trong cuộc chiến chống béo phì bằng cách sản xuất các sản phẩm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, đồng thời đề xuất chính phủ các nước ban hành những chính sách phù hợp hơn, siết chặt việc kiểm soát dán nhãn sản phẩm, cũng như khuyến khích người dân luyện tập thể dục và ăn uống khoa học.
Tuy vậy, báo cáo cũng ghi nhận nỗ lực của giới chức Chile trong cuộc chiến chống béo phì khi nước này năm 2014 áp thuế 18% - một trong những thuế mức cao nhất thế giới - đối với các loại đồ uống có đường, cùng với đó là các điều luật siết chặt hoạt động quảng cáo các sản phẩm không có lợi sức khỏe hướng tới đối tượng trẻ em.
[Báo động về tỷ lệ 13% dân số thế giới mắc chứng béo phì]
Mexico cũng đồng thời đã đánh thuế 10% đối với các mặt hàng đồ uống có ga, có đường, nhờ vậy doanh số các sản phẩm này đã giảm tới 12%.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hiện xếp béo phì là bệnh dịch trên toàn thế giới khi cướp đi sinh mạng của 2,8 triệu người trưởng thành mỗi năm. Thậm chí đây còn là nguyên nhân gây tử vong cao hơn so với hội chứng suy dinh dưỡng./.