Mười năm trước, nhà thám hiểm George Kourounis đã leo vào Cánh cổng Địa ngục - tên gọi khác của miệng hố Darvaza ở Turkmenistan.
Năm 2013, Kourounis trở thành người đầu tiên từng trèo vào miệng hố đang cháy này. Sau hai năm lập kế hoạch, nhà thám hiểm chỉ có 17 phút để leo xuống độ sâu hơn 30m để lấy chỉ số khí và mẫu đất trước khi được cẩu ra ngoài.
Những hình ảnh về những ngọn lửa bùng cháy bên trong miệng hố, cùng với những câu chuyện không xác thực về nguồn gốc của Cánh cổng Địa ngục đã khiến nó trở thành một điểm thu hút khách du lịch đến nước cộng hòa Turkmenistan.
Về nguồn gốc Cánh cổng Địa ngục
Mặc dù có vẻ ngoài như địa ngục nhưng miệng hố Darvaza vốn không hề kỳ quái. Còn được gọi là “Ánh sáng Karakum,” nó nằm phía trên bồn Amu-Darya, một hệ tầng địa chất chứa lượng dầu và khí tự nhiên khổng lồ, chủ yếu là khí methane.
Miệng hố Darvaza đã cháy liên tục trong nhiều thập kỷ, và nhiều khả năng nó bắt nguồn từ một một sự cố ngẫu nhiên từ thời Chiến tranh Lạnh.
Không ai biết chắc chắn về nguồn gốc, nhưng nhiều người cho rằng vào khoảng giữa những năm 1960 và 1980, các kỹ sư Liên Xô đã tiến hành khoan thăm dò dầu khí trong khu vực này và gây ra vết nứt giải phóng một vòng xoáy khí methane.
Có thể các kỹ sư đã đốt khí methane với hy vọng nó sẽ nhanh chóng cháy hết nhưng cũng có thể ai đó đã ném điếu thuốc vào và vô tình làm lửa bùng lên.
Đóng Cánh cổng Địa ngục
Không giống như carbon dioxide tồn tại trong nhiều thế kỷ, khí methane là một loại khí gây hiệu ứng nhà kính cực kỳ mạnh, biến mất khỏi bầu khí quyển trái đất chỉ sau vài năm nhưng cũng giữ nhiệt nhiều hơn.
Turkmenistan tình cờ là một trong những nơi phát thải khí methane nhiều nhất trên thế giới. Điều này bắt nguồn từ thời Liên Xô, khi các hoạt động khai thác nhiên liệu hóa thạch không ngừng nghỉ đã tạo ra vô số giếng khoan, đường ống và các khu công nghiệp gây rò rỉ khí methane, bao gồm cả miệng hố Darvaza.
Chuyên gia đề xuất khoan vào "Cổng địa ngục" để dập miệng núi lửa
Việc dập tắt miệng hố Darvaza đòi hỏi phải tiến hành hai việc: dập tắt đám cháy, sau đó ngăn khí methane thoát ra khỏi mặt đất.
Bước đầu tiên dễ dàng hơn nhiều so với bước thứ hai. Chẳng hạn, người ta có thể phun ximăng khô nhanh vào miệng núi lửa, loại bỏ không khí giàu oxy tạo ra đám cháy nhưng khí methane vẫn sẽ tìm những con đường khác để rò rỉ lên bề mặt.
Điều đó có nghĩa là cách duy nhất để làm nghẹt Cánh cổng Địa ngục là ngăn chặn chỗ rò rỉ nguồn khí methane.
Guillermo Rein, nhà khoa học tại Đại học Hoàng gia London cho biết điều quan trọng là phải biết bên dưới miệng hố Darvaza có gì, đồng thời kêu gọi các chuyên gia trong ngành dầu khí tham gia xác định vị trí vết nứt dưới bề mặt.
Sau đó, bêtông có thể được bơm vào chỗ nứt thông qua các đường ống ngầm. Tuy nhiên, nếu việc thăm dò không được thực hiện cẩn thận, chỉ cần một tia lửa điện hoặc tai nạn nhỏ trong quá trình khoan có thể gây ra một vụ nổ chết người.
Nghịch lý thay, còn một khả năng rất nhỏ khác để dập tắt đám cháy bằng cách gây ra một vụ nổ lớn để phong tỏa khí methane.
Phương pháp này từng được sử dụng để dập tắt các đám cháy giếng khoan công nghiệp: một quả bom được đưa qua lỗ khoan sẽ phát nổ gần nguồn khí methane, loại bỏ oxy (và do đó ngăn đám cháy tiếp tục) đồng thời làm sụp đổ vết nứt đang giải phóng khí methane.
Tuy vậy, phương pháp này khó có thể được ủng hộ trong thế giới ngày nay và nó thậm chí có thể không có tác dụng ở miệng hố Darvaza.
Nhà thám hiểm Kourounis cho rằng đó không chỉ là ý tưởng ngu ngốc nhất từ trước đến nay mà còn nghi ngờ rằng khí methane vẫn sẽ thoát ra nơi khác sau vụ nổ.
Các chuyên gia đều nhất trí rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm đóng Cánh cổng Địa ngục đều rất rắc rối, nguy hiểm, tốn kém và được cho là không có kết quả. Sau cùng, có lẽ lựa chọn tốt nhất là không làm gì cả./.