Sau lần tiếp xúc đầu tiên vào cuối tháng Sáu vừa qua, một nhóm người thuộc bộ tộc được cho là sống biệt lập nhất thế giới ở rừng rậm Amazon lại bất ngờ xuất hiện và có cuộc tiếp xúc với thế giới bên ngoài
Theo tờ The Telegraph, nhóm người trên gồm 24 thành viên, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em.
Nhóm người này đã có cuộc tiếp xúc với các quan chức của Chính phủ Brazil và được cho là đã trốn thoát khỏi các cuộc tấn công ở Peru. Họ hiện đang ở một căn hộ của chính phủ Brazil trên sông Xinane - một khu vực được biết đến là con đường buôn lậu giữa Peru và Brazil.
Nhóm người này cho biết họ đang lo cho tính mạng của những người còn ở lại trong bộ lạc.
Nixiwaka Yawanaw, một thổ dân đến từ bang Acre cho biết: "Tôi cảm thấy rất buồn khi thấy những người bạn của tôi bị đe dọa và Peru đã không nhận bất cứ trách nhiệm nào. Tôi mong chính phủ Brazil và Peru sẽ cung cấp những trang thiết bị cần thiết để bảo vệ họ nếu không sẽ rất nhiều người vô tội bị thiệt mạng."
Sau lần liên lạc đầu tiên, đã có tới hơn 11.000 người gửi email kêu gọi Peru và Brazil bảo vệ các bộ lạc không tiếp xúc với "thế giới văn minh" bên ngoài.
Hồi tháng Ba, chính quyền Peru và Brazil đã ký thỏa thuận hợp tác để bảo vệ vùng đất của các bộ lạc trên. Tuy nhiên, trước vấn nạn khai thác gỗ bất hợp pháp, buôn lậu ma túy cũng như các công ty dầu khí ngày càng tăng, các bộ lạc này đang đối mặt với nguy cơ bùng phát bạo lực và bệnh tật.
Stephen Corry, giám đốc Survival International (một tổ chức chuyên cổ súy cho quyền của thổ dân trên toàn cầu) cho biết: "Những thành viên của bộ lạc này đã bị những người ngoài tấn công. Nhà cửa của họ bị thiêu rụi trong khi người thân bị sát hại. Điều này dường như đã diễn ra ở phần phía biên giới Peru. Có lẽ thủ phạm là nhóm người khai thác gỗ bất hợp pháp và buôn lậu ma túy."
Theo Quỹ người da đỏ Brazil (FUNAI) thì hiện ở khu vực rừng rậm Amazon có khoảng 77 bộ lạc vẫn sống như thời kỳ nguyên thủy, không tiếp xúc với "thế giới văn minh" bên ngoài.
Tổ chức này cho biết nhiều bộ lạc đang bị đe dọa bởi dịch bệnh; trong quá khứ từng có nhiều bộ lạc bị xóa sổ sau những đợt dịch cúm. Ngoài ra, không gian sống của họ bị thu hẹp do nạn phá rừng và khai thác gỗ trái phép./.