Bỉ vận động để Brussels trở thành trụ sở Ban Thư ký Hiệp ước BBNJ

Bỉ đã nỗ lực không ngừng để vận động Brussels trở thành nơi đặt trụ sở cho Ban Thư ký Hiệp ước Bảo vệ Đa dạng Sinh học Biển trên Vùng biển Quốc tế.
Ảnh minh họa. (Nguồn: iStock)

Trong khuôn khổ Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 79 tại New York (Mỹ), cuộc đua giành vị trí trụ sở của Hiệp ước bảo vệ đa dạng sinh học biển đang diễn ra vô cùng sôi động.

Với những lợi thế vượt trội về kinh nghiệm và vị trí địa lý, Bỉ đã nỗ lực không ngừng để vận động Brussels trở thành nơi đặt trụ sở cho Ban Thư ký Hiệp ước Bảo vệ Đa dạng Sinh học Biển trên Vùng biển Quốc tế. Hiệp ước này, viết tắt là BBNJ, được thông qua vào giữa năm 2023 dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc.

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, tại buổi tiếp tân ngoại giao tổ chức tối 23/9 tại trụ sở Phái đoàn Thường trực của Bỉ ở Liên hợp quốc, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo đã thuyết phục các bộ trưởng và đại sứ quốc tế về những ưu thế vượt trội của Brussels, thủ đô của Bỉ và châu Âu.

Thủ tướng nhấn mạnh sự phong phú về ẩm thực, tính thân thiện, đa dạng văn hóa, và vị trí địa lý chiến lược của thành phố nằm ngay trung tâm châu Âu. Thủ tướng De Croo tự tin khẳng định: “Brussels là một trong những địa điểm trên thế giới mà mọi người tìm đến.”

Bên cạnh đó, Bỉ cũng đóng vai trò quan trọng trong liên minh "Blue Leaders" (Các nhà lãnh đạo Xanh) - một nhóm gồm khoảng 30 quốc gia tích cực bảo vệ mục tiêu bảo tồn ít nhất 30% diện tích đại dương toàn cầu vào năm 2030.

Dù chỉ có bờ biển dài 65km, Bỉ vẫn được xem là một quốc gia hàng hải lớn mạnh với hệ thống cảng biển đẳng cấp thế giới, điều này càng khẳng định vị thế của nước này trong lĩnh vực hàng hải quốc tế.

Tuy nhiên, Brussels đang đối mặt với sự cạnh tranh từ thành phố cảng Valparaiso của Chile. Đáng chú ý, Chile đã phê chuẩn hiệp ước BBNJ, trong khi Bỉ vẫn đang chờ đợi các cơ quan lập pháp thông qua.

Địa điểm đặt trụ sở Thư ký Hiệp ước sẽ được quyết định sau năm 2025 hoặc thậm chí có thể là năm 2026. Hiệp ước BBNJ, được coi là "mang tính lịch sử" sau hai thập kỷ đàm phán, vẫn chưa có hiệu lực vì chưa đủ số quốc gia phê chuẩn.

Để hiệp ước chính thức có hiệu lực, cần có sự phê chuẩn của ít nhất 60 quốc gia, nhưng đến nay mới chỉ có 8 quốc gia phê chuẩn. Sau khi hiệp ước có hiệu lực, các bên tham gia sẽ họp để bỏ phiếu quyết định địa điểm đặt trụ sở thư ký./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục