Biến đổi khí hậu cản trở nỗ lực giải quyết các bệnh AIDS, lao, sốt rét

Việc đưa hoạt động phòng chống các bệnh truyền nhiễm trở lại đúng hướng sau đại dịch COVID-19 gặp nhiều khó khăn hơn do sự kết hợp của các cuộc khủng hoảng như biến đổi khí hậu.
Người dân bị ảnh hưởng bởi ngập lụt sơ tán tới các khu lều trại tạm ở ngoại ô Hyderabad, Pakistan. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 18/9, Quỹ Toàn cầu Phòng Chống AIDS, Lao và Sốt rét đã công bố báo cáo, trong đó cảnh báo rằng tình trạng biến đổi khí hậu và xung đột đang cản trở những nỗ lực giải quyết 3 trong số các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ gây tử vong cao nhất thế giới.

Theo báo cáo, phần lớn các sáng kiến quốc tế về phòng chống các bệnh truyền nhiễm trên đã tiếp tục được thực hiện sau khi chịu tác động của đại dịch COVID-19.

Báo cáo nhấn mạnh việc đưa các hoạt động phòng chống các bệnh truyền nhiễm này trở lại đúng hướng sau đại dịch COVID-19 gặp nhiều khó khăn hơn do sự kết hợp của các cuộc khủng hoảng như biến đổi khí hậu.

[Sốt rét gây tử vong cho gần nửa triệu trẻ em dưới 5 tuổi mỗi năm]

Ví dụ, sốt rét đang lan rộng ở các khu vực có địa hình cao tại châu Phi, nơi trước đây thường quá lạnh nên muỗi mang ký sinh trùng không gây bệnh được.

Trong khi đó, các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt đang khiến dịch vụ y tế quá tải, các cộng đồng phải di dời, làm bùng phát bệnh truyền nhiễm và gián đoạn công tác chữa trị ở nhiều khu vực.

Theo quỹ trên, ở các quốc gia như Sudan, Ukraine, Afghanistan, việc tiếp cận các cộng đồng dễ bị tổn thương cũng là một thách thức lớn do tình trạng mất an ninh.

Giám đốc điều hành Quỹ Toàn cầu Phòng Chống AIDS, Lao và Sốt rét, ông Peter Sands cảnh báo những thách thức ngày càng tăng của tình trạng biến đổi khí hậu và xung đột có thể khiến thế giới bỏ lỡ mục tiêu chấm dứt các bệnh AIDS, lao và sốt rét vào năm 2030 mà không có “những bước tiến đặc biệt.”

Mặc dù vậy, ông Sands cho rằng vẫn có một số mặt tích cực. Cụ thể, năm 2022, số người được điều trị bệnh lao tại các nước mà quỹ này đầu tư đạt 6,7 triệu người, cao nhất từ trước tới nay và nhiều hơn 1,4 triệu người so với năm trước đó.

Quỹ cũng đã giúp 24,5 triệu người được điều trị bằng thuốc kháng virus HIV và phân phối 220 triệu màn chống muỗi.

Ông Sands cũng cho rằng vẫn còn hy vọng, một phần nhờ có các công cụ chẩn đoán và phòng ngừa tiên tiến.

Dự kiến, trong tuần này, Đại hội đồng Liên hợp quốc sẽ tiến hành một cuộc họp cấp cao về bệnh lao và các chuyên gia hy vọng các nỗ lực phòng chống căn bệnh này sẽ được chú trọng hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục