Biến đổi khí hậu là một trong những trọng tâm của WEF 2016

Biến đổi khí hậu là một trong những đề tài trọng tâm của WEF 2016 trong bối cảnh những nỗ lực giảm thiểu và thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu phần lớn chưa đạt kết quả như mong muốn.
Biến đổi khí hậu là một trong những trọng tâm của WEF 2016 ảnh 1Nhà sáng lập và Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 20/1, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) lần thứ 46 chính thức khai mạc tại Davos (Thụy Sĩ) với sự tham gia của khoảng 2.500 đại biểu đến từ 100 quốc gia, là đại diện của các chính phủ, lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp và các tổ chức tài chính, xã hội.

Tại diễn đàn lần này, biến đổi khí hậu vẫn là một trong những đề tài trọng tâm của các cuộc thảo luận trong bối cảnh những nỗ lực giảm thiểu và thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu phần lớn chưa đạt kết quả như mong đợi.

Đây là lần đầu tiên mối quan ngại về môi trường đứng đầu danh sách những rủi ro toàn cầu được đưa ra trong báo cáo của WEF trước thời điểm khai mạc.

Năm ngoái, nồng độ carbon dioxide (CO2) trong không khí toàn cầu lần đầu tiên trong lịch sử vượt quá ngưỡng an toàn 400 ppm, trong khi nhiệt độ đã tăng khoảng 1 độ C so với mức nhiệt thời kỳ trước cách mạng công nghiệp.

Biến đổi khí hậu đã và đang đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với các doanh nghiệp cũng như toàn nhân loại, bao gồm gia tăng lũ lụt vùng ven biển, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp, giảm đa dạng sinh học, mất cân bằng sinh thái (đi kèm với sự suy giảm về trữ lượng cá…), và tăng chi phí làm mát và tưới tiêu.

Những rủi ro trên cũng bao gồm những hậu quả địa chính trị. Giám đốc rủi ro của Tập đoàn Bảo hiểm Zurich Cecilia Reyes cho rằng biến đổi khí hậu có thể làm trầm trọng thêm những rủi ro như khủng hoảng nước, thiếu lương thực, hạn chế tăng trưởng kinh tế, làm suy yếu sự gắn kết xã hội và gia tăng các nguy cơ an ninh.

Với chủ đề "Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4," WEF 2016 nhấn mạnh sự kết hợp công nghệ trong các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học, vốn tạo ra những khả năng hoàn toàn mới. Tuy nhiên, Công nghiệp 4.0 cũng bị cho là nguyên nhân dẫn tới các mối đe dọa về việc làm khiến khoảng 5 triệu việc làm trên toàn thế giới có thể biến mất trong vòng 5 năm tới.

Chủ tịch WEF Klaus Schwab nêu rõ nếu không hành động khẩn cấp và có mục tiêu để quản lý quá trình chuyển đổi trong ngắn hạn và xây dựng một lực lượng lao động có kỹ năng trong tương lai, các chính phủ sẽ phải đối phó với tình trạng thất nghiệp ngày càng tăng cùng với sự gia tăng tình trạng bất bình đẳng, trong khi các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nguy cơ thị trường tiêu dùng bị thu hẹp.

Ngoài ra, WEF 2016 cũng sẽ tiếp tục đề cập đến những vấn đề nóng khác như căng thẳng địa chính trị, vũ khí hủy diệt hàng loạt, cuộc khủng hoảng nước, di cư không tự nguyện quy mô lớn, giá năng lượng, tăng trưởng kinh tế và việc làm.

Hội nghị sẽ diễn ra trong vòng 4 ngày với hơn 200 phiên họp, chưa kể các cuộc gặp bên lề không chính thức, các cuộc tiếp xúc bí mật, với sự tham dự của trên 40 vị nguyên thủ quốc gia và đứng đầu chính phủ các nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục