Biển Đông thành một chủ đề chính tại cuộc hội thảo về Ấn Độ Dương

Giáo sư Baladas Ghoshal, học giả nổi tiếng, cho rằng Biển Đông đang nổi lên là một điểm nóng chủ yếu, không chỉ liên quan tới các nước trong khu vực này mà còn ra cả ngoài khu vực.
Biển Đông thành một chủ đề chính tại cuộc hội thảo về Ấn Độ Dương ảnh 1Các đại biểu tại hội thảo. (Ảnh: Huy Bình-Đăng Chính/Vietnam+)

Ngày 18/3, Hội thảo quốc tế về “Vấn đề địa chính trị đang nổi lên ở Ấn Độ Dương,” do Hội Nghiên cứu Ấn Độ Dương (SIOS) tổ chức, đã khai mạc tại trung tâm thủ đô của Ấn Độ. Vấn đề Biển Đông là một phần quan trọng của cuộc hội thảo này.

Hội thảo có các phiên thảo luận về chủ đề “Cách tiếp cận của các quốc gia có biển với Ấn Độ Dương-Sri Lanka, Mauritius, Seychelles, Phillipines, Ấn Độ và Indonesia”; “Cách tiếp cận các quốc gia có biển với an ninh ở Ấn Độ Dương”; “Tầm ảnh hưởng địa chính trị của Biển Đông”; và “Sự can dự về kinh tế, văn hóa và lịch sử với khu vực Ấn Độ Dương.”

Phát biểu tại hội thảo, giáo sư Baladas Ghoshal, học giả nổi tiếng của SIOS, cho rằng Biển Đông đang nổi lên là một điểm nóng chủ yếu, không chỉ liên quan tới các nước trong khu vực này mà còn ra cả ngoài khu vực khi mà Trung Quốc đang tiến hành hoạt động xây dựng ồ ạt và quân sự hóa vùng biển này, đồng thời tuyên bố chủ quyền hầu hết Biển Đông - một trong những tuyến đường biển chủ chốt của thế giới.

Tại cuộc hội thảo, Thiếu tướng Hải quân O P Sharma đã dẫn các khái niệm và luật pháp quốc tế theo đó khẳng định việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần lớn khu vực Biển Đông là không theo luật pháp quốc tế và không theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) mà Trung Quốc cũng là một thành viên.

Ông Võ Xuân Vinh, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISAS) thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, đã có bài tham luận tại hội thảo.

Trong bài tham luận của mình, đại diện phía Việt Nam đã lên án hành động đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông và khẳng định chủ quyền hợp pháp của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Ông cũng nêu bật vai trò của Ấn Độ trong việc đảm bảo ổn định và an ninh ở khu vực Biển Đông. Bài tham luận của ông đã được đông đảo các học giả tại hội nghị hoan nghênh và đánh giá cao.

Bên cạnh vấn đề Biển Đông, các học giả và nhà nghiên cứu còn nêu bật vai trò địa chính trị của Ấn Độ Dương.

Giáo sư S K Mohanty thuộc tổ chức Hệ thống Nghiên cứu và Thông tin cho các nước đang phát triển, khẳng định khu vực Ấn Độ Dương là một trong những khu vực năng động và đầy sức sống trên thế giới. Khu vực này đã đạt được tiến bộ đáng kể trong thúc đẩy thương mại trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong khi đó, ông Pramit Pal Chaudhuri, thành viên Hội đồng toàn cầu của Hội châu Á và là biên tập viên của tờ Hindustan Times cho rằng Ấn Độ Dương có vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ đối với khu vực châu Phi, Đông Nam Á và Nam Á.

Còn tiến sỹ Rajaram Panda, chuyên gia hàng đầu về Nhật Bản ở Ấn Độ, cho rằng tầm chiến lược của khu vực Ấn Độ Dương là quan trọng hơn bao giờ hết và vấn đề an ninh biển trở nên quá quan trọng đối với nhiều quốc gia có biển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Ông nhấn mạnh hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương có tầm quan trọng về kinh tế với nhiều nước ở khu vực châu Á, đồng thời nhận xét hành vi của Trung Quốc ở khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương đã tác động tới địa chính trị khu vực, khiến nhiều nước ở khu vực này phải bắt đầu điều chỉnh chiến lược chính sách đối ngoại của mình để giải quyết tình huống mới với mục đích nhằm duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.