Với khả năng sáng tạo, doanh nghiệp xã hội Chu Chu, có trụ sở tại Myanmar, đã góp phần giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường thông qua việc biến quần áo bỏ đi và rác thành các món đồ lưu niệm xinh xắn, thu hút du khách.
Bao càphê được đan lại thành rổ, trong khi lốp xe cũ được biến tấu thành thắt lưng. Đây chỉ là một phần trong 60 sản phẩm đang được bày bán tại các cửa hàng của doanh nghiệp Chu Chu tại Dala, cách thành phố Yangon một chuyến phà ngắn.
Thông qua việc tạo ra các sản phẩm chất lượng tốt, mẫu mã đẹp và hữu ích, các nhân viên công ty đang nỗ lực thay đổi định kiến rằng những đồ tái chế là cũ và bẩn.
Ban đầu, Chu Chu (có nghĩa là nhựa trong tiếng Myanmar) khởi nghiệp chỉ với 2 nhân viên. Hiện giờ, công ty thuê 45 phụ nữ địa phương. Sản phẩm của họ được bày bán tại các hàng lưu niệm tại thành phố Yangon và trên khắp đất nước.
Chính cửa hàng của Chu Chu cũng được xây từ các sản phẩm tái chế. Các chai nhựa được kết lại bằng ximăng trở thành các bức tường, mái nhà làm từ lốp xe, có sức chống đỡ tốt dưới sự thay đổi khắc nghiệt của thời tiết.
Trong khi đó, với lượng rác thải khổng lồ như hiện nay thì nhóm chế tác không hề thiếu nguyên liệu.
[Phân loại và tái chế rác thải nhựa phong cách của người Nhật]
Giám đốc điều hành Chu Chu Wendy Neampui cho biết hiện tại, đa số các khách hàng là du khách nước ngoài do Myanmar vẫn chưa đón nhận các sản phẩm tái chế và người dân Myanmar vẫn chưa ý thức được rằng vứt bỏ nhựa ảnh hưởng lớn đến môi trường.
Trong những năm qua, Myanmar đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc sau nửa thế kỷ nằm dưới sự điều hành của chính quyền quân sự. Việc gia tăng hàng hóa tiêu dùng khiến lượng rác thải nước này tăng vọt, tràn ngập các đường phố, ngõ hẻm và sân bãi./.