Biến thể của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Nam Phi có thể làm giảm 2/3 khả năng bảo vệ kháng thể của vắcxin ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, do 2 hãng dược phẩm Pfizer/BioNTech phối hợp bào chế, và hiện chưa rõ liệu vắcxin này có thể chống lại biến thể hay không. Hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ đã đưa ra thông tin trên ngày 17/2.
Theo Pfizer, một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy vắcxin vẫn có thể vô hiệu hóa virus SARS-CoV-2 và hiện vẫn chưa có bằng chứng từ các cuộc thử nghiệm trên người cho thấy biến thể này làm giảm khả năng bảo vệ của vắcxin.
Tuy nhiên, hiện các công ty này đang đầu tư và thảo luận với nhà chức trách về việc phát triển phiên bản cập nhật của vắcxin mRNA hoặc tiêm tăng cường nếu cần.
Nghiên cứu này, do các nhà khoa học từ các công ty và Chi nhánh Y tế Đại học Texas (UTMB) thực hiện, phát triển virus chứa các đột biến tương tự mang các gai protein trên biến thể SARS-CoV-2 được phát hiện ở Nam Phi. Virus sử dụng các gai protein này để xâm nhập vào tế bào cơ thể người và là mục tiêu chính của nhiều loại vắcxin COVID-19.
Các nhà nghiên cứu thử nghiệm virus này với máu của những người đã được tiêm vắcxin và nhận thấy mức độ các kháng thể trung hòa giảm 2/3 so với kết quả thử nghiệm với những chủng virus phố biến ở Mỹ.
Phát hiện này đã được đăng trên tạp chí chuyên ngành New England Journal of Medicine (NEJM).
Do chưa có tiêu chuẩn xác định cần bao nhiêu kháng thể để bảo vệ con người chống lại virus nên hiện chưa rõ liệu việc giảm 2/3 nồng độ kháng thể có làm vắcxin mất tác dụng chống các biến thể hiện có trên thế giới không.
Tuy nhiên, Giáo sư Pei-Yong Shi thuộc UTMB và là đồng tác giả nghiên cứu cho rằng vắcxin ngừa COVID-19 của Pfizer có khả năng chống lại biến thể này. Trong các thử nghiệm lâm sàng, cả vắcxin COVID-19 của Pfizer/BioNTech và Moderna đều tạo cơ chế bảo vệ sau liều tiêm đầu tiên với phản ứng kháng thể thấp hơn mức giảm kháng thể do biến thể của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Nam Phi gây ra trong nghiên cứu phòng thí nghiệm.
[Phát hiện khí ozone có thể khử khuẩn bề mặt có virus SARS-CoV-2]
Giáo sư Pei-Yong Shi khẳng định ngay cả khi biến thể của virus SARS-CoV-2 được phát hiện ở Nam Phi làm giảm hiệu quả một cách đáng kể, vắcxin vẫn là công cụ giúp bảo vệ khỏi bệnh nặng và tử vong. Đây là yếu tố quan trọng nhất nhằm giúp hệ thống y tế không bị quá tải.
Theo kế hoạch, trong ngày 18/2, các nhà khoa học Nam Phi sẽ họp bàn để thảo luận kết luận nghiên cứu trên. Nam Phi dự định sẽ bắt đầu chương trình tiêm vắcxin của Pfizer/BioNTech trong những tháng tới, sau khi tiến hành chương trình tiêm vắcxin của Johnson & Johnson ngày 17/2.
Trong khi đó, hai nhà nghiên cứu Canada hối thúc các chính phủ hoãn tiêm mũi vắcxin thứ 2 của Pfizer/BioNTech do sau khi tiêm mũi 1, vắcxin này đã đạt hiệu quả bảo vệ lên tới 92,6%.
Theo các nhà nghiên cứu, hiện chưa rõ thời gian bảo vệ của mũi tiêm đơn, song việc tiêm mũi thứ 2 trong vòng 1 tháng sau mũi tiêm thứ nhất sẽ chỉ có ít lợi ích trong ngắn hạn.
Đáp lại, Pfizer cho rằng đề xuất trên vẫn chưa được đánh giá và quyết định trên cần được tham vấn với giới chức y tế./.