Biến thể Delta lây lan mạnh, thế giới ghi nhận gần 182 triệu ca nhiễm

Biến thể Delta lây lan mạnh, thế giới ghi nhận gần 182 triệu ca nhiễm

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 363.841 ca nhiễm mới, tập trung nhiều nhất tại Brazil (64.851 ca), tiếp sau là Ấn Độ (49.851 ca), Colombia (33.594 ca), Nga (21.665 ca), Indonesia (21.095 ca)...
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia, ngày 26/6/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 8h30 ngày 27/6 theo giờ Việt Nam, toàn thế giới ghi nhận 181.532.688 ca nhiễm SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, bao gồm 3.932.442 ca tử vong. Tổng số bệnh nhân phục là 166.065.147 ca. 

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 363.841 ca nhiễm mới, tập trung nhiều nhất tại Brazil (64.851 ca), tiếp sau là Ấn Độ (49.851 ca), Colombia (33.594 ca), Nga (21.665 ca), Indonesia (21.095 ca), Argentina (18.555 ca), Anh (18.270 ca), Nam Phi (17.956 ca)...

Đáng chú ý, dịch bệnh COVID-19 đang gia tăng tại một số nước trên thế giới, điển hình là Anh và Israel.

Israel ngày 26/6 ghi nhận 175 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc ghi nhận kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát năm ngoái lên 840.813 ca.

Hiện nước này có 1.147 ca vẫn dương tính với virus SARS-CoV-2. Không có thêm ca tử vong nào do COVID-19 tại Israel, theo đó tổng số vẫn là 6.429 ca.

Về tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, đến nay, Israel đã tiêm chủng cho 5,54 triệu người, tương ứng 59,4% dân số nước này.

Ngày 25/6, Israel đã áp đặt trở lại quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại nơi công cộng có không gian kín, sau 10 ngày gỡ bỏ biện pháp này, để tăng cường phòng dịch.

Tại Italy, trước nguy cơ biến thể Delta lây lan nhanh, ngày 26/6, Bộ Y tế nước này đã gửi thông tư tới các vùng, trong đó nêu rõ: "Cần tăng tốc chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 và theo dõi tất cả các trường hợp mắc mới."

[Khoảng 60% dân số EU được tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa COVID-19]

Theo phóng viên TTXVN tại Rome, trong một thông báo, Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza cho biết Italy đang thực hiện một chiến dịch tiêm chủng hiệu quả, theo đó đã thực hiện khoảng 590.000 lượt tiêm chủng trong 24 giờ.

Ông Speranza khẳng định Italy chú trọng theo dõi tất cả các biến thể của virus SARS-CoV-2, song cần có sự phối hợp ở cấp độ quốc tế để theo dõi một cách tập trung đối với sự phát triển của biến thể Delta và tất cả các biến thế khác.

Đến nay, 55,62% người dân Italy đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19, trong đó 53,57% đã được tiêm mũi đầu tiên, 29,4% được tiêm đủ liều 2 mũi và 2,05% tiêm vaccine đơn liều.

Trong khi đó, Bộ trưởng Đổi mới Công nghệ và Chuyển đổi Kỹ thuật số của Italy Vittorio Colao thông báo 10 triệu chứng chỉ xanh kỹ thuật về COVID-19 đã được tải xuống thông qua các ứng dụng như: Io, Immuni, từ website chính thức về cấp chứng chỉ xanh hoặc tại các hiệu thuốc.

Theo kế hoạch, kể từ ngày 1/7, chứng chỉ xanh được sử dụng để đi tới tất cả các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), cũng như Iceland, Na Uy, Thụy Sĩ và Liechtenstein mà không phải cách ly hay xét nghiệm COVID-19.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 27/6/2021. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Với tỷ lệ ca mắc mới giảm mạnh, từ 17 ca/100.000 dân trong tuần trước xuống còn 11 ca/100.000 dân; tỷ lệ chăm sóc tích cực ở mức 4%, dưới ngưỡng nguy cấp; và số ca nhập việc giảm từ 504 ca ngày 15/6 xuống còn 362 ca ngày 22/6, tất cả các vùng và tỉnh tự trị ở Italy đều chuyển sang vùng trắng.

Theo kế hoạch, kể từ ngày 28/6, người dân Italy sẽ không bắt buộc phải đeo khẩu trang ở không gian ngoài trời.

Tuy nhiên, người dân phải có ý thức đeo khẩu trang tại không gian kín như: siêu thị, rạp chiếu phim, trên các phương tiện công cộng, bệnh viện và cơ sở y tế, cũng như địa điểm tụ tập đông người.

Tại Mỹ, theo báo cáo hằng tuần của Cơ quan kiểm soát và phòng chống dịch bệnh, số liều vaccine ngừa COVID-19 tiêm chủng trung bình mỗi ngày trong 7 ngày qua tại nước này giảm 55,3% so với tuần trước đó. 

Đến nay, có khoảng 45,8% dân số Mỹ đã tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 và tính đến ngày 26/6 có ít nhất 53,9% dân số đã tiêm chủng ít nhất 1 mũi vaccine. 

Với kết quả trên, hiện khoảng 152,2 triệu người dân Mỹ đã tiêm chủng đủ liều vaccine ngừa COVID-19.

Tuy nhiên, tỷ lệ người tiêm chủng tại một số bang của Mỹ vẫn thấp, mặc dù chính quyền kêu gọi người dân đi tiêm chủng để phòng ngừa nguy cơ tiềm ẩn từ các biến thể mới của SARS-CoV-2.

Tuần trước, Nhà Trắng nhận định khó có thể đạt được mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số Mỹ vào ngày kỷ niệm Quốc Khánh 4/7./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục