Hơn 2 triệu người ở England, vùng đông dân nhất và cũng là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 ở Anh, có thể gặp hội chứng “COVID kéo dài” (Long COVID) và có một hoặc nhiều triệu chứng trong ít nhất 12 tuần.
Đây là kết quả của một trong những cuộc khảo sát về COVID-19 quy mô lớn nhất được thực hiện và công bố ngày 24/6 tại Anh.
Nghiên cứu REACT-2, do Đại học Hoàng gia London thực hiện trong giai đoạn từ tháng 9/2020 đến tháng 2/2021 với sự tham gia của 508.707 người trưởng thành mắc COVID-19.
Kết quả cho thấy hơn 33% số người được hỏi cho biết các triệu chứng của họ kéo dài ít nhất 12 tuần, trong đó 10% có các triệu chứng nặng. Các triệu chứng bao gồm mệt mỏi, đau cơ, khó thở và đau tức ngực.
Theo nghiên cứu, người càng cao tuổi càng có nguy cơ cao mắc hội chứng “COVID kéo dài” và cứ sau mỗi 10 năm thì nguy cơ này lại tăng 3,5%.
Các triệu chứng cũng tồn tại dai dẳng hơn ở phụ nữ, người hút thuốc lá, người thừa cân, người sống ở những khu vực kém phát triển, hoặc người phải nhập viện điều trị COVID-19.
Tuy nhiên, nghiên cứu cũng cho thấy tỷ lệ có các triệu chứng COVID-19 kéo dài thấp hơn ở những người gốc châu Á.
[Gần 20% bệnh nhân Mỹ không triệu chứng bị mắc ''COVID kéo dài'']
Giám đốc chương trình nghiên cứu REACT-2, ông Paul Elliott, nhận định kết quả khảo sát cho thấy những tác động về lâu dài của COVID-19 đối với sức khỏe và những tác động này cần được lưu ý trong các chính sách y tế.
Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho rằng hội chứng “COVID kéo dài” có thể có tác động lâu dài và gây suy nhược, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Ông cũng cho biết kết quả nghiên cứu này sẽ là cơ sở để đưa ra các phương pháp hỗ trợ và điều trị.
“COVID kéo dài” còn được gọi là hội chứng sau mắc COVID-19 hoặc di chứng sau giai đoạn mắc COVID-19 cấp tính, chỉ các triệu chứng của bệnh tồn tại hơn 4 tuần kể từ khi được phát hiện.
Báo cáo chuyên đề về “COVID kéo dài” được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố trong năm nay cho thấy khoảng 20% số người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 tiếp tục có các triệu chứng kéo dài trong ít nhất 1 tháng, 10% trong số này vẫn không thấy khỏe lại sau 12 tuần, một số bệnh nhân rơi vào tình trạng cơ thể rất suy nhược.
“COVID kéo dài” tác động nghiêm trọng đến khả năng quay trở lại làm việc hoặc tham gia cuộc sống xã hội của người bị mắc COVID-19, họ bị ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và có thể gây ra những hậu quả kinh tế đáng kể cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội.
WHO kêu gọi các nước cần xây dựng các chính sách hỗ trợ giải quyết vấn đề sức khoẻ do “COVID kéo dài” gây ra./.