Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h00 sáng 25/6 theo giờ Việt Nam, thế giới đã ghi nhận hơn 180,7 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có hơn 3,9 triệu ca tử vong.
Ba nước ghi nhận nhiều ca nhiễm và tử vong nhất thế giới lần lượt là Mỹ, Ấn Độ và Brazil.
Tiếp theo trong nhóm các nước có nhiều ca nhiễm và tử vong nhất là Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Anh, Italy, Argentina, Colombia...
Xét theo khu vực, châu Á hiện là khu vực bị ảnh hưởng nhất, với số ca nhiễm trên toàn châu lục đã vượt 55 triệu ca. Tuy nhiên, số ca tử vong tại châu Á ít hơn so với các khu vực khác, với 777.559 ca.
Châu Âu có số ca nhiễm nhiều thứ hai, với hơn 47,6 triệu ca, trong khi số ca tử vong ở cả châu lục đã vượt 1 triệu ca.
Tiếp theo là khu vực Bắc Mỹ với hơn 40,4 triệu ca nhiễm và hơn 900.000 ca tử vong. Nam Mỹ ghi nhận hơn 32 triệu ca nhiễm nhưng số ca tử vong cao hơn Bắc Mỹ, đã lên tới 985.514 ca. Châu Phi có hơn 5,3 triệu ca nhiễm, trong khi số ca nhiễm tại châu Đại Dương hiện là 72.651 ca.
Mỹ, quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất, đã ghi nhận 34.463.729 ca nhiễm và 618.619 ca tử vong. Bang Missouri đã trở thành "điểm nóng" mới nhất tại Mỹ khi ghi nhận tỷ lệ nhiễm mới cao nhất nước này.
Giới chức y tế địa phương lý giải sự gia tăng đột biến các ca nhiễm mới tại Missouri phần lớn là do biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây truyền cao cũng như tâm lý do dự tiêm vaccine của người dân bang này.
Giới chưc bang Missouri cho rằng diễn biến đại dịch tại bang này hiện nay sẽ là một lời cảnh báo người dân trên khắp nước Mỹ. Dự án Sewershed Surveillance đã phát hiện biến thể Delta trong nước thải của ít nhất 10 hạt thuộc Missouri.
Các chuyên gia y tế đã cảnh báo về sự lây lan nhanh của biến thể Delta ngay cả khi tỷ lệ tiêm chủng đã tăng trên phần lớn nước Mỹ.
Cố vấn y tế chính của Nhà Trắng Anthony Fauci đã xác định biến thể Delta là "mối đe dọa lớn nhất ở Mỹ" trong nỗ lực của chính phủ nhằm loại bỏ COVID-19.
[Mỹ cân nhắc bổ sung tác dụng phụ sau khi tiêm vaccine sử dụng mRNA]
Cùng ngày, Bộ Y tế Mexico cảnh báo số ca nhiễm mới đang tăng trở lại sau bốn tháng giảm liên tiếp, đặt quốc gia này trước khả năng phải đối mặt với làn sóng dịch thứ ba. Số ca nhiễm mới đã tăng 9% trong tuần trước và được dự báo sẽ tăng 18% trong tuần này. Hầu hết các địa phương đã phải đóng cửa trường học sau một tuần mở cửa trở lại bởi tỉ lệ ca nhiễm mới tăng và phát hiện nhiều học sinh khi quay trở lại lớp học trực diện nhiễm COVID-19.
Đáng chú ý, theo Bộ trên, có 16.091 ca nhiễm sau khi được tiêm ít nhất một liều vaccine, trong đó có 1.183 trường hợp tử vong. Số liệu thống kê cho thấy trong tổng số người nhiễm COVID-19 sau khi đã tiêm có 9.713 người đã được tiêm một liều, 3.391 người tiêm đủ hai liều và 2.336 người hoàn thành phác đồ tiêm chủng sau 21 ngày.
Trong khi đó, Chile đã gia hạn lệnh đóng cửa biên giới đến ngày 14/7, sau khi phát hiện biến thể Delta trong mẫu xét nghiệm của một phụ nữ 43 tuổi vừa trở về từ Mỹ. Chile áp dụng lệnh đóng cửa biên giới từ ngày 5/4 sau khi ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng mạnh, theo đó người nước ngoài không được nhập cảnh vào nước này, ngoại trừ những người có giấy phép cư trú dài hạn.
Công dân Chile cũng không được phép ra nước ngoài, trừ những trường hợp đặc biệt liên quan đến nhân đạo và nhu cầu sức khỏe. Cho đến nay, Chile ghi nhận hơn 1.531.800 người mắc COVID-19, trong đó có gần 31.800 trường hợp tử vong.
Tại châu Á, Ấn Độ bị ảnh hưởng nhiều nhất với 30.133.417 ca nhiễm, trong đó có 393.338 ca tử vong, vượt xa con số ghi nhận tại các nước khác trong khu vực. Tại Đông Nam Á, Indonesia và Philippines ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất, lần lượt là 2.053.995 ca và 1.378.260 ca. Malaysia đứng thứ ba với 716.847 ca nhiễm.
Theo Bộ Y tế Malaysia, từ ngày 20-22/6, nước này đã phát hiện thêm sáu ca nhiễm các biến thể của SARS-CoV-2. Trong đó, năm ca nhiễm biến thể Beta được phát hiện đầu tiên tại Nam Phi và một ca nhiễm biến thể Delta.
Nhằm giảm thiểu sự lây lan của các biến thể virus, chính phủ Malaysia quyết định thắt chặt Trình tự vận hành tiêu chuẩn (SOP), kéo dài thời gian cách ly đối với du khách nhập cảnh. Tất cả du khách tới Malaysia đều phải tiến hành xét nghiệm RT-PCR sàng lọc COVID-19 trước khi khởi hành ba ngày cũng như khi tới cửa khẩu nhập cảnh quốc tế ở Malaysia.
Những công dân Malaysia và người nước ngoài được phép nhập cảnh, đến từ Ấn Độ, Sri Lanka, Bangladesh, Nepal và Pakistan đều phải cách ly bắt buộc tại trung tâm cách ly do Chính phủ Malaysia chỉ định trong 21 ngày. Du khách đến từ nước khác cũng phải cách ly bắt buộc tại trung tâm cách ly do Chính phủ Malaysia chỉ định, nhưng chỉ trong thời gian 14 ngày. Những người phải cách ly 14 ngày và 21 ngày lần lượt vào ngày cách ly thứ 10 và thứ 18 phải tiến hành xét nghiệm RT-PCR một lần nữa.
Tại châu Âu, Pháp và Nga ghi nhận số ca nhiễm nhiều nhất châu lục - mỗi nước hơn 5,3 triệu ca. Trong khi đó, Anh và Italy đã có hơn 4,2 triệu ca nhiễm; Tây Ban Nha và Đức đều đã ghi nhận hơn 3,7 triệu ca.
So với các khu vực khác, hiện châu Phi có số ca nhiễm và tử vong khá thấp. Tuy nhiên, ngày 24/6, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo số ca nhiễm tại châu Phi đang tăng với tốc độ chưa từng có trong bối cảnh châu lục này đang phải chật vật ứng phó với làn sóng lây nhiễm thứ ba có nguy cơ đe dọa nghiêm trọng cơ sở hạ tầng y tế công cộng.
Theo Giám đốc WHO khu vực châu Phi, Matshidiso Moeti, nguyên nhân số ca nhiễm gia tăng tại châu lục này là do các quốc gia đã nới lỏng các biện pháp ngăn chặn lịch lây lan, cùng với thời tiết lạnh và sự xuất hiện các biến thể mới của virus gây bệnh.
WHO đã triển khai đưa các chuyên gia y tế đến một số quốc gia đang trải qua đợt gia tăng ca nhiễm chưa từng có, trong đó có Uganda và Zambia, để tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, bao gồm chẩn đoán và điều trị kịp thời./.