Biểu tình lớn tại Argentina phản đối các chính sách kinh tế

Biểu tình đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động vận tải đường không và hoạt động của các doanh nghiệp, nhiều ngân hàng và cửa hàng phải đóng cửa.
Biểu tình lớn tại Argentina phản đối các chính sách kinh tế ảnh 1Người dân tham gia biểu tình. (Nguồn: AFP)

Ngày 30/4, hàng chục nghìn người lao động tại Argentina đã xuống đường biểu tình nhằm phản đối các chính sách kinh tế của Tổng thống Mauricio Macri.

Biểu tình đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động vận tải đường không và hoạt động của các doanh nghiệp, nhiều ngân hàng và cửa hàng phải đóng cửa. Hoạt động vận tải biển cũng bị đình trệ, trong khi một số trường học cũng đóng cửa.

Hiệp hội Các tài xế xe tải là một trong những tổ chức kêu gọi biểu tình, thể hiện sự không ủng hộ đối với các chính sách "thắt lưng buộc bụng" của Tổng thống Macri và đặt ra khó khăn cho chính phủ của ông chỉ sáu tháng trước thềm cuộc tổng tuyển cử.

Argentina đang trải qua thời kỳ suy thoái kinh tế kéo dài với việc đồng peso liên tục mất giá, tỷ lệ lạm phát ở mức cao (55%) và các hoạt động kinh tế suy giảm.

Trung tuần tháng này, Chính phủ của Tổng thống Macri đã công bố gói biện pháp ngăn chặn đà tăng lạm phát và hạn chế những tác động của cuộc suy thoái.

Gói biện pháp mới của Chính phủ Argentina có việc tạm dừng tăng giá các loại dịch vụ công như điện, khí đốt và giao thông công cộng, cũng như ấn định giá bán của nhiều loại mặt hàng cơ bản.

[Tổng giám đốc IMF kêu gọi Argentina kiên trì cải cách kinh tế]

Cùng với đó, chính phủ cũng tạm dừng thực hiện lộ trình tăng giá các loại dịch vụ công đã công bố trước đó. Cụ thể, kế hoạch tăng giá điện chia làm hai đợt trong năm 2019 sẽ được hủy bỏ. Giá vé các loại phương tiện công công và phí cầu đường sẽ không điều chỉnh tăng trong năm nay. Việc tăng giá khí đốt cũng sẽ xem xét lại.

Đây là những động thái quan trọng của Chính phủ Argentina trong bối cảnh chỉ còn sáu tháng nữa là tới cuộc bầu cử tổng thống, trong khi đất nước đang trải qua thời kỳ suy thoái kinh tế kéo dài với việc đồng peso liên tục mất giá, tỷ lệ lạm phát ở mức cao và các hoạt động kinh tế suy giảm.

Năm ngoái, nhằm giảm thâm hụt ngân sách, chính phủ đã triển khai chính sách "thắt lưng buộc bụng" để đổi lấy khoản tín dụng ưu đãi 56 tỷ USD của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Cuộc khủng hoảng kinh tế là một trong những nỗi lo lớn nhất của người dân Argentina trong bối cảnh còn ít tháng nữa là đến cuộc bầu cử tổng thống và tình hình hiện nay đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới cơ hội tái cử của Tổng thống Macri.

Đắc cử năm 2015, vị tổng thống thân thiện với thị trường Macri đã không thể xoa dịu sự giận dữ của người dân đối với các chính sách "thắt lưng buộc bụng" của mình, bao gồm việc cắt các dịch vụ dành cho người có thu nhập thấp ở Argentina, trong khi lạm phát đã lên tới 47% trong năm 2018.

Ông tuyên bố rằng đất nước cần tiếp tục các cuộc cải cách mạnh mẽ và ông sẽ tiếp tục ra tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội vào tháng 10 tới.

Hiến pháp Argentina cho phép một người làm tổng thống hai nhiệm kỳ liên tiếp với mỗi nhiệm kỳ kéo dài bốn năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Ukraine

Chuyến thăm của ông Austin diễn ra vào thời điểm Ukraine kêu gọi các đồng minh phương Tây dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí tầm xa và xem xét đẩy nhanh quá trình Ukraine gia nhập NATO.