Nhằm nâng cao chất lượng công tác thông tin tuyên truyền về tình hình dịch bệnh, ngày 26/8, Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương do ông Lê Hải Bình, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc tại tỉnh Bình Dương.
Bà Trương Thị Bích Hạnh, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương cho biết, để tiếp tục triển khai nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền theo kế hoạch một cách phù hợp, hiệu quả, tỉnh sẽ tăng cường hình thức thông tin lưu động đến tận các khu phố, ngõ hẻm, khu nhà trọ, khu phong tỏa, cách ly, nhất là các địa bàn đang thực hiện “khóa chặt, đông cứng” để phòng, chống dịch; thiết tập cơ chế trao đổi, nắm bắt thông tin hai chiều đối với các khu cách ly, phong tỏa, đảm bảo nắm bắt tình hình, xử lý kịp thời những vấn đề bức xúc, không để hình thành điểm nóng, gây mất ổn định an ninh trật tự; theo dõi thường xuyên, xử lý kịp thời, có hiệu quả thông tin trái chiều, thông giả trên mạng xã hội liên quan đến tình hình dịch bệnh ở từng địa phương, không để kéo dài gây bức xúc dư luận.
[Kỷ lục: Hơn 12.000 ca khỏi bệnh xuất viện cùng một lúc ở Bình Dương]
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương đề xuất với Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông định hướng tuyên truyền đối với các cơ quan báo chí của Trung ương theo hướng tăng cường thông tin tích cực, hạn chế thông tin về những vấn đề còn hạn chế, thiếu sót mang tính chất đơn lẻ, không phổ biến ở từng lúc, từng nơi nhằm tránh gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng đến tâm lý chung của lực lượng tham gia phòng, chống dịch, nhất là lực lượng tuyến đầu.
Đề nghị có biện pháp, giải pháp mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa để kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm khắc các thông tin giả, thông tin xuyên tạc, kích động, chống phá của các thế lực thù địch, nhất là trên mạng xã hội liên quan đến tình hình và công tác phòng, chống dịch COVID-19 nói riêng và chống phá Đảng, Nhà nước nói chung.
Tại cuộc làm việc, các thành viên đoàn công tác gợi ý một số giải pháp, cách làm hay để giải quyết những khó khăn mà tỉnh đang gặp phải như tổ chức họp báo định kỳ, livestream hoặc tương tác trên mạng xã hội.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình đánh giá cao hiệu quả, sáng kiến trong hoạt động thông tin tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh.
Trên cơ sở những mặt hạn chế mà tỉnh nhìn nhận, ông Lê Hải Bình đề nghị tỉnh xây dựng kịch bản truyền thông mới theo diễn biến dịch; nắm bắt tốt hơn những nhu cầu, bức xúc, của nhân dân, đồng thời có cách làm linh hoạt để thông tin đến được với mọi tầng lớp nhân dân.
Tỉnh có thể xem xét phương án mở các kênh thông tin trực tuyến giải đáp những bức xúc, kiến nghị của người dân đang có vấn đề cần giải quyết qua mạng trực tuyến hoặc sóng truyền hình trực tiếp.
Ngoài ra, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ luôn hỗ trợ, đồng hành, sẻ chia cùng tỉnh, góp phần củng cố niềm tin vững chắc trong nhân dân.
Công tác thông tin, tuyên truyền về tình hình và công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Bình Dương thời gian qua đã được thực hiện bài bản, nội dung, hình thức phong phú, có trọng tâm, trọng điểm, đúng định hướng, qua đó góp phần lan tỏa thông tin tích cực, tạo được đồng thuận xã hội đối với công tác phòng, chống dịch.
Tỉnh đã tập trung tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch trên báo chí, hệ thống đài truyền thanh cấp huyện, cấp xã, khu-cụm công nghiệp và trong doanh nghiệp, tổ COVID cộng đồng, tổ an toàn COVID-19 trong doanh nghiệp, các đội thông tin lưu động, Cổng thông tin điện tử của tỉnh, trang thông tin điện tử của các ngành, địa phương và các trang, nhóm trên mạng xã hội.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã lập fanpage “Điểm tin Bình Dương” chính thức hoạt động vào ngày 28/7/202. Cùng với việc biên tập các tin, bài từ các nguồn trên Internet, Ban Biên tập còn chủ động thực hiện một số tin, bài, thiết kế mỹ thuật, đồ họa cho fanpage; cập nhật đầy đủ các văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh, đẩy mạnh tuyên truyền công tác phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, Ban Tuyên giáo tỉnh ủy đã chỉ đạo xây dựng các tuyến thông tin, tăng cường thời lượng, tần suất thông tin, tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch COVID-19; thành lập tổ, nhóm phóng viên xung kích trực tiếp tác nghiệp tại các địa bàn tâm dịch để kịp thời nắm bắt tình hình phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền.
Trong 4 tuần gần đây, các cơ quan báo chí ngoài tỉnh có hơn 1.400 tin, bài, phóng sự, clip phản ánh về công tác phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh, với những hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú; nội dung phản ánh kịp thời, toàn diện về công tác phòng chống dịch của tỉnh. Nhìn chung nội dung thông tin, tuyên truyền tốt, sinh động, phản ánh mang tính tích cực, bám sát diễn biến tình hình trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, việc thông tin, tuyên truyền lưu động, nắm bắt tình hình, nhất là tại các khu phong tỏa, cách ly còn hạn chế, chưa kịp thời.
Đặc biệt, vấn đề xử lý tin giả, tin trái chiều trên mạng xã hội liên quan đến tình hình dịch bệnh còn khó khăn, bị động, chưa kịp thời, phần nào ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của lực lượng chức năng tham gia phòng, chống dịch và gây bức xúc dư luận./.
Tình hình dịch bệnh đến 18h ngày 25/8: Bình Dương: - Số ca nhiễm: 86.050 ca. Trong nước: - Số ca nhiễm: 392.938 ca. Thế giới: - Số ca nhiễm: 214.942.457 |