Bình Dương: Nỗ lực thu hồi hơn 600 tỷ đồng nợ đọng bảo hiểm

Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương sẽ phối hợp cùng với cơ quan Công an mời các đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội lên làm việc để phổ biến và đôn đốc nhắc nhở đơn vị chấp hành đúng pháp luật.
Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương sẽ đôn đốc các doanh nghiệp đóng bảo hiểm cho người lao động đúng quy định. (Ảnh minh họa: TTXVN phát)

Đến hết năm 2022, tỉnh Bình Dương có 610 đơn vị, doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn, nợ đọng bảo hiểm hơn 618 tỷ đồng. Bảo hiểm xã hội tỉnh đang tích cực triển khai các giải pháp thu hồi số tiền trên.

Cùng với việc tuyên truyền, nhắc nhở, nâng cao ý thức chấp hành của chủ doanh nghiệp, định kỳ hàng tháng, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ phát hành thông báo đôn đốc nợ đối với các đơn vị chậm đóng; ngày 25 hàng tháng sẽ gửi mail đôn đốc nhắc đơn vị trích nộp phát sinh kịp thời trong tháng.

Đối với các đơn vị sử dụng nhiều lao động, có số thu lớn, cơ quan bảo hiểm xã hội có kế hoạch tăng cường quản lý, tập trung đôn đốc, làm việc nhắc nhở để thu hồi nợ cũ, chặn nợ mới đảm bảo hoàn thành kế hoạch thu, giảm tỷ lệ nợ năm 2022 và 2023.

Hàng tháng, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ gửi danh sách các đơn vị chậm đóng từ 3 tháng trở lên cho các cơ quan, ban, ngành, đề nghị hỗ trợ phối hợp theo dõi đôn đốc đơn vị nợ bảo hiểm xã hội; khóa thẻ bảo hiểm y tế đối với đơn vị chậm đóng từ 3 tháng.

Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương (Phòng Thanh tra, Kiểm tra) tăng cường thực hiện các cuộc thanh tra đột xuất đối với đơn vị nợ bảo hiểm xã hội và xử phạt vi phạm hành chính đối với đơn vị nợ đọng bảo hiểm xã hội.

Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương sẽ phối hợp cùng với cơ quan Công an mời các đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội lên làm việc để phổ biến, tuyên truyền các quy định của pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và đôn đốc nhắc nhở đơn vị chấp hành đúng pháp luật.

Cùng với đó, Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương phối hợp với cơ quan Công an làm việc với 337 đơn vị nợ với tổng lao động là 13.564 người, tổng số tiền nợ là 127,8 tỷ đồng. Kết quả có 232 đơn vị khắc phục tiền nợ, thu hồi được số tiền nợ 76,5 tỷ đồng.

[Đồng Nai: Hơn 140 tỷ đồng nợ bảo hiểm thuộc diện khó đòi]

Bình Dương có gần 40 khu, cụm công nghiệp với các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư tạo môi trường thuận lợi cho người lao động tập trung về tỉnh học tập và làm việc.

Vì vậy số lượng người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp rất lớn.

Tình trạng các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài quốc doanh chậm nộp, trốn tránh hoặc trì hoãn việc đóng bảo hiểm cho người lao động vẫn diễn ra phổ biến.

Nhiều doanh nghiệp nợ đọng kéo dài, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn quỹ bảo hiểm và quyền lợi của người lao động.

Đầu năm 2023, tỷ lệ nợ tăng do các đơn vị tập trung nguồn vốn sản xuất đơn hàng, chưa thu hồi công nợ, tìm kiếm nguồn nguyên liệu và đơn hàng mới...; một số đơn vị nợ bảo hiểm xã hội nhỏ lẻ chưa chấp hành chính sách pháp luật về bảo hiểm để chậm nộp 1 đến 2 tháng.

Theo bà Lê Minh Lý, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương, nợ đọng ảnh hưởng đến người lao động và cơ quan bảo hiểm xã hội.

Doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội, các quyền lợi của người lao động cũng sẽ bị ảnh hưởng như giải quyết quyền lợi về ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất, trợ cấp thất nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục