Nợ bảo hiểm xã hội: Cần giải pháp về nguồn lực, chế tài đủ sức răn đe

Việc xử lý nợ bảo hiểm xã hội với các doanh nghiệp giải thể, phá sản, chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn vẫn là "bài toán" chưa có lời giải và cần sớm có giải pháp xử lý để đảm bảo quyền lợi của lao động.
Người lao động theo dõi quá trình đóng bảo hiểm xã hội. (Ảnh minh hoạ: PV/Vietnam+)
Người lao động theo dõi quá trình đóng bảo hiểm xã hội. (Ảnh minh hoạ: PV/Vietnam+)

Hơn 200.000 lao động đang bị nợ bảo hiểm, ảnh hưởng hưởng đến quyền lợi khi giải quyết chế độ thai sản, lương hưu cho người lao động. Câu chuyện doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội đã trở thành vấn đề nhức nhối nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp.

“Nợ xấu” hơn 3.5000 tỷ đồng bảo hiểm xã hội

Trong thực tế, tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, chiếm dụng, nợ tiền bảo hiểm xã hội vẫn diễn ra ở nhiều địa phương. Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến 31/10/2022, tổng số tiền nợ bảo hiểm xã hội là hơn 14.300 tỷ đồng, chiếm 3,3% số phải thu. Đặc biệt, tình trạng chủ doanh nghiệp phá sản, bỏ trốn để lại khoản nợ lớn tiền lương, bảo hiểm xã hội của người lao động vẫn diễn ra, chưa có giải pháp hữu hiệu, kịp thời.

Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách-Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết tùy theo từng thời điểm nhưng thống kê riêng qua kênh của công đoàn cho thấy tổng số tiền nợ bảo hiểm xã hội là khoảng 22.000 tỷ đồng, tương đương hơn 5% tổng số phải thu.

Đáng chú ý, trong tổng số nợ bảo hiểm xã hội có hơn 3.500 tỷ đồng là “nợ xấu” của các doanh nghiệp đã bị phá sản, giải thể, chủ là người nước ngoài đã trốn khỏi Việt Nam... ảnh hưởng quyền lợi của hơn 200.000 người lao động.

[Số nợ bảo hiểm xã hội của thành phố Hà Nội là 1.509 tỷ đồng]

Theo ông Lê Đình Quảng, doanh nghiệp đang hoạt động dù chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội nhưng vẫn có cách giải quyết khi có chế tài buộc họ hoàn trả số tiền hoặc người lao động cần giải quyết quyền lợi thì luật pháp cho phép doanh nghiệp đó đóng khoản tiền tương ứng số nợ bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp phá sản, giải thể và chủ doanh nghiệp bỏ trốn thì việc xử lý rất khó vì khi thanh lý tài sản theo Luật Phá sản, khoản đóng bảo hiểm xã hội không phải khoản ưu tiên được thanh toán nên quyền lợi của người lao động hầu như bị... đóng băng.

Mặc khác, theo thống kê mới nhất của tổ chức công đoàn, trong thời gian gần đây giao thông vận tải và xây dựng là hai ngành có nhiều doanh nghiệp nợ lương, bảo hiểm. Các công ty ngành giao thông vận tải nợ gần 205 tỷ đồng tiền lương, 750 tỷ đồng bảo hiểm xã hội còn doanh nghiệp xây dựng nợ 269 tỷ đồng tiền lương, 435 tỷ đồng đóng bảo hiểm xã hội.

Cần đảm bảo quyền lợi cho người lao động 

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam nhấn mạnh: "Số lao động bị nợ bảo hiểm xã hội không chốt được sổ bảo hiểm xã hội thì không được hưởng lương hưu, chế độ thai sản khi sinh con cũng như không được hưởng chế độ ốm đau, tai nạn lao động khi làm việc. Đây là vấn đề an sinh xã hội rất lớn, trong cả hiện tại và tương lai, khi hàng trăm nghìn người về hưu không biết sẽ sống bằng gì.”

Nợ bảo hiểm xã hội: Cần giải pháp về nguồn lực, chế tài đủ sức răn đe ảnh 1Giải quyết chế độ bảo hiểm cho người lao động. (Ảnh minh hoạ: PV/Vietnam+)

Thực tế, việc xử lý nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp đối với các doanh nghiệp giải thể, phá sản, chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn khó khăn chủ yếu là chưa có cơ sở pháp lý về nguồn lực cho việc xử lý và chưa có số liệu chi tiết đảm bảo cho việc thực hiện xử lý khi có nguồn lực.

Do vậy, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp với cơ quan này rà soát, tổng hợp báo cáo tình hình doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và trình Chính phủ báo cáo cơ quan có thẩm quyền và trình Quốc hội phương án giải quyết đảm bảo quyền lợi của người lao động.

Mặt khác, trong hồ sơ sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội sẽ được trình Quốc hội trong năm 2023, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các bộ, ngành nghiên cứu bổ sung thêm quy định về quản lý thu nhằm khắc phục những bất cập hạn chế trong quá trình tổ chức thu và xử lý vấn đề chậm đóng, trốn đóng, chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Ông Lê Đình Quảng cho rằng việc sửa Luật Bảo hiểm xã hội là hết sức quan trọng, đây là giải pháp căn cơ, lâu dài để giảm thiểu tình trạng trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp.

“Khi sửa luật, chúng ta cần tăng cường tính răn đe và nghiêm trị đối với các hành vi vi phạm về bảo hiểm xã hội, đặc biệt là các hành vi trốn đóng, chậm đóng. Nếu chúng ta hạn chế tối đa được tình trạng này sẽ tạo niềm tin của người lao động nhiều hơn vào chính sách bảo hiểm xã hội,” ông Lê Đình Quảng cho hay.

Theo ông Lê Đình Quảng cần có sự đồng bộ về mặt pháp luật, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng chế tài đủ sức răn đe thì công tác thanh tra, kiểm tra cũng cần phải được tăng cường, xử lý kịp thời./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục