Bình Thuận: Bắt quả tang cơ sở tái chế nhớt thải trái phép quy mô lớn

Tại khu vực nhà xưởng, lực lượng Công an phát hiện và thu giữ 9.200 lít nhớt thải được chứa trong các thùng phuy, một số máy móc và hóa chất các loại phục vụ cho quá trình xử lý tái chế nhớt.

Lực lượng công an kiểm tra hệ thống máy vận hành để tái chế nhớt thải trái phép tại thôn Đaguri, xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận). (Ảnh TTXVN phát)
Lực lượng công an kiểm tra hệ thống máy vận hành để tái chế nhớt thải trái phép tại thôn Đaguri, xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận). (Ảnh TTXVN phát)

Ngày 13/12, Công an huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) cho biết, đơn vị vừa triệt phá một trường hợp tái chế nhớt thải trái phép quy mô lớn trên địa bàn.

Theo đó, trưa 12/12, Tổ công tác Công an huyện Hàm Thuận Bắc đã tiến hành kiểm tra tại khu vực đất trống thuộc tổ 5, thôn Đaguri, xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc, phát hiện N.T.H (sinh năm 1980, trú tại thị xã La Gi, Bình Thuận) cùng 3 người làm công khác đang vận hành máy móc để tái chế nhớt thải trái phép.

Cơ sở tái chế nhớt thải được dựng lên ở khu vực đất trống, xa khu dân cư; trong khuôn viên có 1 xưởng tái chế nhớt rộng khoảng 60m2.

Tại khu vực nhà xưởng, lực lượng Công an phát hiện và thu giữ 9.200 lít nhớt thải được chứa trong các thùng phuy, một số máy móc và hóa chất các loại phục vụ cho quá trình xử lý tái chế nhớt.

Nhớt thải được thu gom, mua lại từ các garage ôtô, trung tâm bảo dưỡng với giá 3.000 đồng/lít, sau đó sử dụng các hóa chất để tái chế lại trở thành nhớt “sạch” và bán ra thị trường với giá 5.500 đồng/lít. Hiện Công an huyện Hàm Thuận Bắc đang tiếp tục xác minh, mở rộng điều tra xử lý theo quy định.

Theo Công an huyện Hàm Thuận Bắc, tái chế nhớt thải trái phép là hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy định về xử lý chất thải nguy hại; chỉ sau vài công đoạn xử lý tại các lò đun nấu thủ công lậu, số lượng lớn dầu nhớt thải được “phù phép” thành dầu nhớt “sạch” rồi bán ra thị trường, nhái thương hiệu của nhiều công ty nổi tiếng. Mặc dù biết sự nguy hại của dầu nhớt tái chế, nhưng vì lợi nhuận cao nên không ít đối tượng vẫn lén lút tái chế và đem đi tiêu thụ.

Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã phát hiện và xử lý nhiều trường hợp tái chế nhớt thải tại các địa phương trong tỉnh. Để tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng, các đối tượng đã di chuyển địa bàn hoạt động từ khu vực đồng bằng lên khu vực miền núi, khu vực xa khu dân cư để hoạt động.

Để tiếp tục ngăn chặn, kịp thời phát hiện các vụ việc vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tái chế nhớt thải trái phép, Công an tỉnh Bình Thuận chỉ đạo các huyện chủ động nắm chắc tình hình, thu thập thông tin, tài liệu xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu sản xuất, buôn bán nhớt thải tái chế.

Công an tỉnh phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật bằng nhiều hình thức đến với người dân.

Đồng thời, tiếp nhận, xác minh các nguồn tố giác, tin báo về tội phạm nhằm phát hiện kịp thời các vụ việc có dấu hiệu tội phạm và vi phạm pháp luật./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Một chiếc tàu chở tàu không rõ nguồn gốc tại thành phố Vũng Tàu. (Ảnh: TTXVN phát)

Phát hiện 2 tàu chở dầu DO không rõ nguồn gốc

Tàu cá TG 92267 TS trên vùng biển Bà Rịa-Vũng Tàu có hành vi chở dầu DO không rõ nguồn gốc; một chiếc tàu khác do ông Nguyễn Thanh làm thuyền trưởng cũng bị bắt giữ ở khu vực biển Khánh Hòa.

Công an tỉnh Tây Ninh, Bộ đội Biên phòng tỉnh và các lực lượng chức năng tiếp nhận, xác minh số người Việt được Campuchia trao trả. (Ảnh: TTXVN phát)

Tây Ninh: Tiếp nhận 410 công dân từ Campuchia

Phần lớn trong 410 người này đều xuất cảnh trái phép sang Campuchia làm việc, có người bị công ty bóc lột sức lao động nên đã liên hệ cơ quan chức năng Campuchia nhờ giải cứu.