BIS: Nền kinh tế thế giới rất cần "kim chỉ nam" mới

Trước tình hình địa chính trị trên thế giới còn rất bất ổn, người đứng đầu bộ phận kinh tế và tiền tệ của BIS khẳng định rằng "nền kinh tế thế giới rất cần một kim chỉ nam mới.
Ông Claudio Borio, người đứng đầu bộ phận kinh tế và tiền tệ của BIS. (Nguồn: brotherjohnf.com)

Trong báo cáo thường niên mới đây, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cho rằng các nước sẽ phải xem xét nghiêm túc chiến lược phòng tránh và đối phó với những cuộc khủng hoảng tài chính, đồng thời hối thúc các quốc gia tăng cường tập trung vào giải quyết tình trạng nợ nần.
BIS - được mệnh danh là "ngân hàng trung ương của các ngân hàng trung ương" - cảnh báo trong khi nền kinh tế thế giới cho thấy những tín hiệu đáng khích lệ về đà hồi phục sau cuộc khủng hoàng tài chính tiền tệ năm 2008, các yếu tố tiêu cực vẫn có thể gây ảnh hưởng.
Nếu chính phủ các nước không thực hiện được những điều chỉnh chính sách cần thiết để ngăn chặn những khủng hoảng tương tự có thể xày ra, thì nền kinh tế thế giới có thể bước trên con đường (phát triển) không bền vững.
Đặc biệt là tại một số thời điểm, trật tự tài chính và thương mại mở toàn cầu hiện nay có thể bị đe dọa nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, BIS cũng tỏ ý đặc biệt lo ngại về tình trạng trái chiều khá rõ giữa sự ổn định hiện nay ở nhiều thị trường tài chính và hoạt động đầu tư tiếp tục yếu kém trong nền kinh tế thực, nhất là ở thời điểm khi triển vọng địa chính trị trên thế giới vẫn còn rất bất ổn.
Trước tình hình trên, ông Claudio Borio, người đứng đầu bộ phận kinh tế và tiền tệ của BIS khẳng định rằng "nền kinh tế thế giới rất cần một kim chỉ nam mới."
Nỗ lực của các ngân hàng trung ương nhằm giúp thúc đẩy tăng trưởng bằng các biện pháp khác nhau như cắt giảm lãi suất đã giúp tạo ra sự hấp dẫn đối với các hoạt động đầu tư rủi ro cao trong ngắn hạn ở các thị trường chứng khoán, và sự sôi động ở các thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp.
Tuy vậy, các nền kinh tế chịu thiệt hại lớn do cuộc khủng hoàng năm 2008 đã chưa nỗ lực đủ để ổn định tình hình tài chính và khắc phục tình trạng nợ công cao.
Theo BIS, trong thời gian tới, tất cả các nền kinh tế lớn đều cần có sự chuyển đổi chính sách rõ ràng cho dù có chịu tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng năm 2008 hay không.
Ông Borio cảnh báo nợ của khu vực tư nhân và khu vực công tiếp tục tăng là một dấu hiệu cụ thể cho thấy những khó khăn vẫn còn ở phía trước đối với các nền kinh tế, và giải quyết vấn đề này chính là một động lực quan trọng đối với việc thúc đẩy tăng trưởng.
Theo ông, sự đi lên hiện nay của nền kinh tế thế giới là "một cánh cửa quý giá mở ra cơ hội phát triển ổn định và bền vững và các nước không nên lãng phí"./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục