Nền kinh tế toàn cầu đang lê bước không đều, trong bối cảnh nhiều cường quốc vẫn phải vật lộn để có thể tăng trưởng ổn định.
Châu Âu rơi vào tình trạng loạng choạng. Kinh tế Nhật Bản bất ngờ đi lên, trong khi kinh tế Trung Quốc đang “nguội” dần. Còn “người khổng lồ” Mỹ dường như ngày một khỏe hơn.
Trong bối cảnh đó, các ngân hàng trung ương đặt ra mục tiêu chi cấp gói kích thích đúng liều, không quá nhiều và cũng không quá ít. Các nỗ lực của các ngân hàng cho đến nay đang đem lại lợi ích cho nhiều dân thường - những người đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt việc làm và mức lương trì trệ.
Tình trạng phục hồi kinh tế không đồng đều tính trên quy mô toàn cầu. Trong quý 1/2014, nhịp độ tăng trưởng của 18 quốc gia châu Âu sử dụng đồng euro yếu ngoài dự đoán, trong khi cùng kỳ kinh tế Nhật Bản tăng trưởng với nhịp độ nhanh nhất trong gần ba năm qua.
Còn bức tranh kinh tế Mỹ khá lộn xộn: Sản lượng công nghiệp đi xuống, nhưng lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp có xu hướng giảm dần, một dấu hiệu cho thấy hoạt động tuyển dụng nhân lực sẽ tiếp tục tăng. Tại Trung Quốc, hoạt động thương mại sa sút giữa lúc khu vực chế tạo giảm tốc.
Hầu hết các chuyên gia kinh tế đều có chung dự đoán: những kết quả không đồng nhất phát đi từ những nền kinh tế lớn dường như đang khẳng định kinh tế thế giới trong năm nay chỉ tăng trưởng khiêm tốn. Jay Bryson, chuyên gia kinh tế tại Wells Fargo Securities, nhận định kinh tế thế giới đang đi lên, mặc dù không mạnh như nhiều người mong muốn. Bryson ước tính nhịp độ tăng trưởng kinh tế thế giới năm nay đạt 3,5%, so với mức tăng 3% năm 2013.
Các ngân hàng trung ương lớn đã theo đuổi chính sách lãi suất thấp để nỗ lực thuyết phục các doanh nghiệp vay mượn và chi tiêu. Hành động này của các ngân hàng đã nâng đỡ thị trường chứng khoán tại Mỹ và nhiều nước châu Âu, khi "xúi giục" nhà đầu tư chuyển từ trái phiếu có mức lợi suất thấp sang chứng khoán.
Kinh tế châu Âu
Trong quý 1/2014, nền kinh tế Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) tăng vỏn vẹn 0,2% so với quý trước đó, chỉ bằng một nửa mức mà các chuyên gia phân tích kỳ vọng. Mặt bằng kinh tế châu Âu đang có độ vênh lớn: Trong khi kinh tế Đức rảo bước mạnh mẽ với tốc độ 0,8%, thì kinh tế Hà Lan lại tụt dốc tới 1,4%.
Toàn cảnh bức tranh ảm đạm của kinh tế châu Âu khiến Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi đối mặt với sức ép lớn phải bơm thêm các biện pháp kích thích vào nền kinh tế. Mức lãi suất âm đối với tiền mà các ngân hàng gửi tại ECB sẽ thúc đẩy các ngân hàng tích cực hơn trong việc cho doanh nghiệp và hộ gia đình vay vốn.
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng trong thời gian tới ECB có thể sẽ mua trái phiếu, "đua" theo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng trung ương Anh (BoE). Động thái này của ECB có thể sẽ làm giảm lãi suất trong thời gian dài hạn hơn và khuyến khích vay mượn.
Mục tiêu chính của ECB là giảm giá đồng euro so với đồng USD và các tiền tệ mạnh khác, để có thể tăng cường xuất khẩu và kiến tạo việc làm. Đồng thời, nó có thể giúp cải thiện tình trạng lạm phát đang thấp ở mức báo động tại 18 quốc gia sử dụng đồng euro. Xu hướng lạm phát thấp có thể khiến tăng trưởng trì trệ, trong bối cảnh nhiều người tiêu dùng trì hoãn mua hàng.
Kinh tế Nhật Bản
Trong quý 1/2014, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới tăng trưởng với nhịp độ 5,9% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng mạnh nhất trong gần ba năm qua. Nhưng phần lớn mức tăng này được “tiếp lửa” bởi người tiêu dùng và doanh nghiệp tranh thủ chi tiêu trước khi thuế bán hàng tăng (từ ngày 1/4/2014). Khi xu hướng tăng chi tiêu “phai nhạt”, các chuyên gia phân tích sợ rằng sức phục hồi của kinh tế Nhật Bản sẽ chậm lại.
Kể từ khi nhậm chức vào cuối năm 2012, Thủ tướng Shinzo Abe đã bắt tay vào kế hoạch thúc đẩy kinh tế thông qua tăng chi tiêu của chính phủ, áp dụng chính sách tiền tệ cực lỏng, đồng thời cải cách chính sách lao động và phương thức quản lý của chính phủ.
Chính sách này được các chuyên gia phân tích cho là sẽ giúp Nhật Bản thoát khỏi tình trạng giảm phát kéo dài. Tuy nhiên, có hai thách thức lớn ở phía trước: Việc thực hiện các cuộc cải cách có thể vấp phải những khó khăn về mặt chính trị. Thứ hai, nợ của Chính phủ Nhật Bản hiện gấp đôi quy mô của nền kinh tế và tình hình này đòi hỏi Tokyo phải thắt thặt ngân sách.
Các chuyên gia phân tích cho rằng Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) Haruhiko Kuroda sẽ phải đối mặt với sức ép duy trì lãi suất cực thấp để đối phó với những thách thức này.
Kinh tế Mỹ
Thời tiết mùa Đông khắc nghiệt đã làm giảm sức phục hồi của Mỹ. Nhưng nền kinh tế lớn nhất hành tinh đã xuất hiện những đốm sáng: hoạt động tuyển dụng tăng, người Mỹ bắt đầu mở hầu bao chi tiêu, lạm phát đang hướng tới mức 2% - mức mục tiêu của Fed. Tỷ lệ lạm phát tăng có thể là dấu hiệu cho thấy “sức khỏe” của nền kinh tế vì nó thường phản ánh việc người tiêu dùng/doanh nghiệp chi tiêu nhiều hơn.
Trong tháng 4/2014, kinh tế Mỹ có thêm 288.000 việc làm. Tính từ đầu năm tới nay, lượng việc làm mới trung bình đạt 214.000/tháng, so với mức 194.000 việc làm/tháng trong năm 2013. Việc làm nhiều lên có nghĩa là hoạt động chi tiêu được hỗ trợ.
Theo Bộ Thương mại Mỹ, GDP của nước này trong quý đầu tiên của năm nay giảm 1%, gấp đôi mức giảm dự kiến của các chuyên gia phân tích, do thời tiết khắc nghiệt. Dự báo, kinh tế Mỹ trong quý 2 này sẽ phục hồi, với mức tăng ít nhất 3,5%/năm.
Trong bối cảnh nền kinh tế đang lấy lại phong độ, Chủ tịch Fed Janet Yellen thu lại dần các biện pháp kích thích kinh tế. Với việc giảm dần quy mô của chương trình mua trái phiếu hàng tháng, lãi suất dài hạn của Fed có xu hướng sẽ hạ. Fed tuyên bố sẽ duy trì lãi suất ngắn hạn ở mức thấp để hỗ trợ nền kinh tế, ngay cả khi chương trình mua trái phiếu kết thúc - có thể vào cuối năm nay.
Kinh tế Trung Quốc
Tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang chậm lại sau khi đã chạy với tốc độ cao trong hơn một thập kỷ. Trong quý 1 vừa qua, kinh tế Trung Quốc chỉ tăng 7,4% so với quý 1 năm ngoái. Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng cường quốc này cần phải “quen dần” với xu hướng tăng trưởng chậm. Bắc Kinh đang nỗ lực dịch chuyển nền kinh tế sang hướng dựa nhiều hơn vào tiêu thụ nội địa, giảm bớt sự phụ thuộc vào xuất khẩu và đầu tư. Nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại rằng các ngân hàng Trung Quốc đã “tiếp tay” cho hoạt động đầu tư thái quá vào bất động sản, với rủi ro tiềm tàng là bơm phồng bong bóng tín dụng.
David Kelly, chiến lược gia hàng đầu về thị trường tại J.P.Morgan Funds, nhận định: trong thời kỳ khủng hoảng, các ngân hàng trung ương có thể đem lại sự đổi thay lớn khi “vỗ về” thị trường tài chính bằng một lượng lớn tiền mặt. Nhưng biện pháp này xem ra không hiệu quả để có thể giúp các nền kinh tế tăng trưởng yếu quay về mức bình thường. Mục tiêu trên đòi hỏi không phải là sự “chăm sóc” cấp tập từ phía các ngân hàng trung ương, mà là các doanh nghiệp phải có đủ lòng tin để đầu tư, cũng như người tiêu dùng có đủ lòng tin để mua sắm./.