Chính phủ Nhật: Kinh tế toàn cầu sẽ tăng khoảng 3% năm nay

Văn phòng Nội các Nhật Bản cho rằng việc Mỹ thu hẹp dần gói nới lỏng định lượng là một trong những nguy cơ có thể ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế toàn cầu.
Chính phủ Nhật: Kinh tế toàn cầu sẽ tăng khoảng 3% năm nay ảnh 1Thị trường việc làm tại Mỹ đang dần được cải thiện. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong một báo cáo công bố ngày 7/6, Chính phủ Nhật Bản dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng khoảng 3% trong năm nay trong bối cảnh kinh tế Mỹ và châu Âu tiếp tục hồi phục.

Tuy nhiên, Văn phòng Nội các Nhật Bản cho rằng việc Mỹ thu hẹp dần gói nới lỏng định lượng là một trong những nguy cơ có thể ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế toàn cầu.

Theo báo cáo này, kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng ít nhất 2,5% năm nay, nhờ quá trình hồi phục ở mức vừa phải khi thị trường việc làm được cải thiện, giá nhà tăng lên và các chỉ số chứng khoán ghi điểm.

Trong khi đó, kinh tế châu Âu được dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 1% năm 2014 chủ yếu nhờ hai nền kinh tế lớn là Anh và Đức vẫn vững. Còn kinh tế châu Á có thể tăng với nhịp độ chậm hơn trước, một phần là do lĩnh vực bất động sản tại Trung Quốc đang "giảm nhiệt."

Cụ thể, GDP Trung Quốc dự đoán sẽ tăng khoảng 7,5%; kinh tế Ấn Độ tăng 5% và con số này dự kiến ở mức khoảng 3,5% đối với Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan, do xuất khẩu thiết bị bán dẫn toàn cầu có thể không mạnh như trước.

Trước đó, hôm 6/6, Bộ trưởng Chính sách tài chính và kinh tế Nhật Bản Akira Amari bày tỏ hy vọng rằng việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thông báo quyết định hạ lãi suất cơ bản xuống mức thấp kỷ lục và lãi suất tiền gửi - lãi suất trả cho các ngân hàng thương mại gửi tiền tại Ngân hàng trung ương - xuống mức âm sẽ tạo hiệu ứng tốt cho kinh tế thế giới. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản cho rằng hành động chưa có tiền lệ này của ECB cần phải được theo dõi một cách thận trọng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.