WB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2014

Ngân hàng Thế giới hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2014 xuống còn 2,8% so với mức 3,2% đưa ra hồi tháng 1.
WB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2014 ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: mole.my)

Ngày 10/6, Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ thấp các mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2014, đồng thời cho rằng sự phục hồi của các nền kinh tế phát triển từ khởi đầu khó khăn trong năm nay sẽ giúp bù đắp tình trạng đình trệ ở các nước đang phát triển.

Trong báo cáo “Triển vọng kinh tế toàn cầu” được công bố 2 lần/năm, WB đánh giá phần lớn động lực tăng trưởng kinh tế trong năm nay bắt nguồn từ các nước thu nhập cao, đặc biệt là Mỹ và 18 nước thành viên Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Tuy nhiên, xuất phát điểm khó khăn của các nước này trong đầu năm nay cũng như tình trạng thời tiết xấu ở Mỹ, biến động thị trường tài chính và khủng hoảng Ukraine là những nguyên nhân kéo chậm lại tốc độ tăng trưởng toàn cầu trong năm nay.

Cụ thể, WB hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2014 xuống còn 2,8% so với mức 3,2% đưa ra hồi tháng 1. Các nước thu nhập cao sẽ chứng kiến tốc độ tăng trưởng nhanh hơn trong năm nay, đạt 1,9% so với 1,3% của năm ngoái.

Trong khi đó, các nước đang phát triển chỉ đạt tốc độ tăng trưởng 4,8%, thấp hơn đáng kể so với mức dự báo 5,3% trước đó. Đây là năm thứ ba liên tiếp WB đưa ra mức dự báo tăng trưởng dưới 5% ở nhóm nước đang phát triển, cho thấy kinh tế toàn cầu sẽ còn phải đối mặt với rất nhiều thách thức kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế bùng phát từ cuối năm 2008.

Tuy nhiên, cũng theo WB, các nước đang phát triển có thể lấy lại tốc độ tăng trưởng 5,4% trong năm 2015 và 5,5% trong năm 2016.

Riêng với nền kinh tế Trung Quốc, WB dự báo có thể đạt tăng trưởng 7,6% trong năm 2014, giảm 0,1% so với mức dự báo trước đó./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.