Phó Thống đốc chia sẻ về ngân hàng chuyển giao bắt buộc, lãi suất, tỷ giá

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết chiều nay sẽ diễn ra lễ chuyển giao bắt buộc Ocean Bank cho MB và CBBank cho Vietcombank.

Phó Thống đốc chia sẻ về ngân hàng chuyển giao bắt buộc, lãi suất, tỷ giá. (Ảnh: Vietnam+)
Phó Thống đốc chia sẻ về ngân hàng chuyển giao bắt buộc, lãi suất, tỷ giá. (Ảnh: Vietnam+)

Chiều 17/10 Ngân hàng Nhà nước tổ chức Họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý 3/2024, trong đó vấn đề chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng 0 đồng, lãi suất, tỷ giá…

Chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng 0 đồng

Phát biểu tại họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý 3/2024 chiều 17/10, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho hay chiều nay sẽ diễn ra lễ chuyển giao bắt buộc Ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank) cho Ngân hàng Quốc đội (MB) và Ngân hàng Xây dựng (CBBank) cho Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).

"Hôm nay sẽ thực hiện chuyển giao hai ngân hàng, một ngân hàng nữa trong thời gian tới, một ngân hàng được kiểm soát đặc biệt khác là Dong A Bank đang triển khai lộ trình, còn Ngân hàng Sài Gòn - SCB thì duy trì ổn định," Phó Thống đốc cho biết.

Chia sẻ chi tiết hơn về thông tin hai ngân hàng được chuyển giao bắt buộc, ông Nguyễn Đức Long Phó chánh Thanh tra, Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng Nhà nước cho biết trên cơ sở quy định pháp luật hiện nay và chủ trương của Đảng, Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước đã ban bành quyết định chuyển giao bắt buộc với Oceanbank và CBBank cho MB và Vietcombank.

Cũng theo ông Long, mục đích của việc chuyển giao là nhằm khắc phục tình trạng lỗ luỹ kế của các ngân hàng được chuyển giao bắt buộc. Sau chuyển giao, quyền lợi của khách hàng sẽ được bảo đảm. Các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc sẽ được hưởng một số cơ chế ưu đãi trên cơ sở tuân thủ Luật Các tổ chức tín dụng và các quy định khác.

Đối với Ngân hàng Đông Á và ngân hàng còn lại, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng nhận chuyển giao thực hiện và rà soát phương án để trình các cơ quan có thẩm quyền để thực hiện.

ocea.jpg
Giao dịch tại Ngân hàng Đại Dương. (Ảnh: Ocean Bank)

Trước đó, theo báo cáo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cho thấy việc xây dựng phương án chuyển giao bắt buộc các ngân hàng mua bắt buộc và DongA Bank nói riêng còn nhiều bất cập, vướng mắc, thủ tục kéo dài.

Để ngỏ câu chuyện điều hành lãi suất

Tại họp báo, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết quý 3 là một quý có nhiều thuận lợi cho sự phát triển nói chung của nền kinh tế. Diễn biến chính sách tiền tệ trên thế giới đã có xu hướng dịu lại, nhất là sau khi Mỹ giảm lãi suất và nhiều quốc gia cũng bắt đầu nới lỏng tiền tệ. Điều này đã giảm bớt áp lực tiền tệ tới các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Đây là điểm thuận lợi hơn cho Ngân hàng Nhà nước so với năm 2023.

"Chúng ta đã và đang có diễn biến tích cực trong tất cả lĩnh vực chung của nền kinh tế, bao gồm việc kiểm soát lạm phát. Với tốc độ hiện nay, mục tiêu tăng trưởng GDP và kiểm soát lạm phát khả năng sẽ thực hiện được," Phó Thống đốc Đào Minh Tú chia sẻ.

Cũng theo Phó Thống đốc, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt và đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế. Trong quý 3, vốn cho nền kinh tế luôn dồi dào, các ngân hàng dư thừa thanh khoản, không có nhu cầu vốn nào chính đáng mà không được đảm bảo, mức tăng trưởng tín dụng hài hoà với nhu cầu vốn của nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước đã điều hành thông thoáng và chủ động hơn trong việc giao hạn mức tín dụng cho các ngân hàng, tạo điều kiện cho các ngân hàng có khả năng tăng trưởng tốt.

Ông Tú thông tin đến 30/9, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 9% so với đầu năm và tăng hơn 16% so với cùng kỳ. Dư nợ cho vay đối với nền kinh tế khoảng 14,7 triệu tỷ đồng. Huy động tăng thấp hơn, tổng huy động khoảng 14,5 triệu tỷ đồng.

Về điều hành lãi suất, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp góp phần hỗ trợ nền kinh tế; chỉ đạo tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, công khai lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân cũng như thông tin về lãi suất cho vay các gói, chương trình tín dụng, sản phẩm trên website của ngân hàng. Nhờ đó, mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm so với cuối năm 2023.

ong tu.jpg
Phó Thống đốc Đào Minh Tú trả lời tại họp báo. (Ảnh: Vietnam+)

Đối với tỷ giá, Phó Thống đốc cho viết tỷ giá trong quý 3 đã dịu bớt áp lực. Nếu như trước đó tỷ giá có thời điểm tăng 5-6% thì hiện tại, VND chỉ còn mất giá khoảng 1%-2% so với đầu năm. Các nhu cầu ngoại tệ của người dân và doanh nghiệp được đáp ứng đầy đủ.

Ông Đào Minh Tú cũng cho biết, nợ xấu được quan tâm nhưng vẫn đang có xu hướng tăng lên, nhất là sau cơn bão số 3, mặc dù đã có chính sách cho phép cơ cấu, giãn nợ.

Từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tín dụng đảm bảo mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Trong xu hướng doanh nghiệp đang tích cực phục hồi, quan điểm điều hành lúc này là cởi mở hơn để hỗ trợ vốn, lãi suất cho doanh nghiệp nhiều hơn.

Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định sẽ tiếp tục đảm bảo thanh khoản, khả năng cung ứng vốn của các ngân hàng thương mại, điều hành tỷ giá hài hoà với các chính sách đối ngoại.

Về lãi suất, Phó Thống đốc chia sẻ: "Chúng tôi cũng để ngỏ câu chuyện lãi suất điều hành thời gian tới, duy trì hay giảm lãi. Trong điều kiện đảm bảo lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng và quan hệ tỷ giá, chúng tôi sẽ nghiên cứu xem xét lãi suất điều hành trong thời gian tới"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trung Quốc thông báo giảm lãi suất cho vay cơ bản

Lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm đã được giảm 0,25 điểm phần trăm, từ 3,35% xuống 3,10%, trong khi lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm cũng được giảm mức tương tự từ 3,85% xuống 3,6%.