Bộ công cụ gây ảnh hưởng quốc tế của Nga đang mất dần hiệu quả?

Các chuyên gia nghiên cứu về vấn đề quốc tế cho rằng mặc dù Nga sở hữu bộ công cụ mạnh mẽ để gây ảnh hưởng về chính sách đối ngoại nhưng hiệu quả của các công cụ này ngày càng bị hạn chế.
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Moskva. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Phát biểu tại buổi tọa đàm nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập Trung tâm nghiên cứu PIR về An ninh toàn cầu diễn ra mới đây tại Moskva, các chuyên gia nghiên cứu về vấn đề quốc tế cho rằng mặc dù Nga sở hữu bộ công cụ mạnh mẽ để gây ảnh hưởng về chính sách đối ngoại, nhưng hiệu quả của các công cụ này ngày càng bị hạn chế.

Trước tiên, chuyên gia Andrei Kortunov - Tổng Giám đốc Hội đồng các vấn đề quốc tế RIAC - cho rằng Nga là một siêu cường hạt nhân, nhưng vai trò của nhân tố hạt nhân ở cấp độ quan hệ cường quốc chắc chắn sẽ thay đổi sau khi hiệp định hạt nhân Nga-Mỹ đổ vỡ.

Hiện, cũng chưa có tín hiệu về triển vọng gia hạn Hiệp ước New START III (phía Nga gọi là START III). Sức mạnh quân sự là công cụ hữu hiệu của Nga, và thế giới từng được chứng kiến điều đó ở Syria.

Tuy nhiên, hiện nay, ngay cả tại Syria, những yếu tố này cũng không còn phát huy tác dụng như trước.

Năm nay là năm thứ 5 Nga can thiệp vào quốc gia Trung Đông này và gần đây, một số lãnh đạo Nga nói rằng chiến dịch ở Syria đã sắp hoàn thành, nhưng chiến thắng dường như đang càng trở nên xa vời hơn.

Thứ hai, Nga là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế, đặc biệt là với quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Tuy nhiên, các hoạt động quốc tế hiện nay thường “qua mặt” Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Nga là nước phải chịu trách nhiệm nhất định về việc này vì không nước nào sử dụng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thường xuyên như Nga, và mọi hành vi sử dụng quyền phủ quyết là một đòn giáng mạnh vào tính hợp pháp của Hội đồng Bảo an.

Vai trò của Liên hợp quốc và Hội đồng Bảo an sẽ dần mất giá trị, và chính sách ngoại giao của Nga cũng phải hứng chịu những hậu quả tương ứng.

Các tổ chức khác mà Nga đã thành lập (như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải SCO và khối BRICS) - tất cả đều chưa thực sự phát triển và chưa có tổ chức nào trở thành một tổ chức quốc tế chính thức.

[Nước Nga tìm kiếm cơ hội trong năm mới giữa muôn vàn thử thách]

Thứ ba, Nga có đòn bẩy quan trọng trong một số thị trường quốc tế, nhưng đây không phải là những thị trường quyết định đến tương lai của kinh tế thế giới.

Ngoại giao dầu khí đang ngày càng yếu thế, nhưng nếu xét tới ngoại giao tài chính, ngoại giao công nghệ và dây chuyền sản xuất, thì vai trò của Nga ở các lĩnh vực này càng không mạnh như kỳ vọng.

Nói chung, các công cụ chính sách đối ngoại có thể được hình dung như một tam giác, trong đó góc thứ nhất là công cụ chính trị-quân sự, góc thứ hai là công cụ kinh tế và công nghệ, góc thứ ba là xã hội và nhân văn.

Tàu Akademik Cherskiy của Nga tham gia lắp đặt đường ống dẫn khí đốt của dự án "Dòng chảy phương Bắc 2" neo tại cảng Mukran, gần Sassnitz, Đông Bắc Đức ngày 7/9/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Lý tưởng nhất, để bộ công cụ chính sách đối ngoại giữa được cân bằng thì cần phải tạo ra một tam giác đều.

Chuyên gia Kortunov cho rằng Nga đang có sự thiên vị hơn đối với các công cụ quân sự-chính trị, điều này được giải thích bởi nhiều lý do lịch sử, địa chính trị và những lý do khác.

Đây không phải là hệ quả của bất kỳ sai lầm hay hiểu lầm nào về lợi ích của Nga, nhưng sự thiên lệch này sẽ khiến cho việc triển khai các chính sách đối ngoại của Nga ngày càng khó khăn hơn.

Giáo sư Evstafiev, làm việc tại Khoa Truyền thông tích hợp thuộc Trường Kinh tế cao cấp Dmitry, cũng cho rằng sự kết thúc của ngoại giao năng lượng Nga là không thể tránh khỏi và sẽ để lại hệ quả trước mắt và lâu dài đối với chính sách quốc phòng và an ninh của Nga.

Ông cũng chỉ ra sự mâu thuẫn biện chứng trong chính sách của Nga. Một mặt, việc tăng cường ảnh hưởng quốc tế của Nga rõ ràng là không thể đạt hiệu quả nếu thiếu giải pháp cho hàng loạt vấn đề kinh tế-xã hội của đất nước và khắc phục các lỗ hổng của nền kinh tế.

Tuy nhiên, việc khắc phục các lỗ hổng này chỉ có thể thực hiện được trong điều kiện hoàn cảnh bên ngoài thuận lợi, đòi hỏi phải tranh thủ nguồn lực bên ngoài chứ không phải huy động nguồn lực trong nước.

Đảm bảo cân bằng giữa tăng cường ảnh hưởng quốc tế với phát triển kinh tế trong nước sẽ là khó khăn chính đối với chính sách đối ngoại của Nga.

Ngoài ra, bối cảnh thế giới buộc Nga phải xem xét lại cách tiếp cận của mình đối với các vấn đề an ninh năng lượng, thị trường năng lượng quốc tế và lĩnh vực chính trị-quân sự.

Các chuyên gia chỉ ra rằng tính đơn cực của trật tự thế giới chắc chắn sẽ được thay thế. Trật tự thế giới chúng ta đang chứng kiến là một dạng tàn dư của đơn cực. Trật tự này có thể tiếp diễn trong một thời gian, nhưng cuối cùng sẽ kết thúc.

Thời gian tồn tại của các tàn dư đơn cực này phụ thuộc nhiều vào tình hình mâu thuẫn nội bộ của Mỹ hơn là bối cảnh bên ngoài.

Hơn nữa, trật tự đa cực vẫn chưa được phát triển hoàn thiện. Khi nghiên cứu kỹ khái niệm đa cực của Trung Quốc, người ta thấy rằng bản chất khái niệm này không phải là đa cực, mà là lưỡng cực, trong đó Trung Quốc chính là "cực" thứ hai.

Trong khi đó, Nga chờ đợi vào sự phát triển của khu vực hóa để cân bằng xu thế lưỡng cực, nhưng cho đến nay khu vực hóa đang phát triển chậm hơn dự kiến, trong đó có nguyên nhân từ sự kiềm chế mạnh mẽ và hiệu quả từ Mỹ. Và quan trọng nhất, không có một hệ tư tưởng nào tương thích với khu vực hóa.

Khi dự báo về triển vọng ổn định chiến lược, chuyên gia Nga cho rằng trong 5-7 năm nữa, những người sẽ lên nắm quyền trong giới lãnh đạo quân sự-chính trị ở Mỹ và Nga là những người không có khái niệm gì về răn đe hạt nhân và vũ khí hạt nhân nói chung là khái niệm trừu tượng đối với họ.

Các cuộc chiến bằng máy bay không người lái sẽ chiếm ưu thế. Những người này có quan điểm khác về sự sống và cái chết, chiến tranh và hòa bình, có nghĩa là họ không có những yếu tố kiềm chế chính trị và tâm lý vốn là thành phần quan trọng nhất của chiến lược răn đe chính trị-quân sự trong Chiến tranh Lạnh.

Nga đang mất dần sự tin tưởng từ tất cả các đối tác đối với chính sách đối ngoại của nước này. Điều đó dẫn tới việc Nga cũng sẽ không tin tưởng bất cứ ai và sẽ làm điều được họ cho là đúng đắn.

Đây là sự phản ánh của xu hướng toàn cầu, người Nga không chỉ nhận thức được mức độ mất niềm tin cao độ, mà còn cảm nhận được mối đe dọa quân sự ngày càng tăng từ phương Tây.

Ngoài ra, còn có một cuộc khủng hoảng sâu sắc trong nội dung chính sách đối ngoại của Nga.

Trong dự án Dòng chảy phương Bắc II, Nga đang thắng về mặt chiến thuật, nhưng đối với người châu Âu, còn có những giá trị vĩnh cửu mà họ cho là còn quan trọng hơn lợi ích chiến thuật.

Trước tiên, đó là kỳ vọng về mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương khi Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden lên nắm quyền và niềm tin tuyệt đối rằng các giá trị của mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương không thể bị “gián đoạn” bởi bất cứ điều gì.

Vấn đề giá trị châu Âu là một câu hỏi khó đối với chính sách đối ngoại của Nga. Ngoài ra, làm thế nào để tìm kiếm sự cân bằng giữa mong muốn sử dụng các công cụ sức mạnh quân sự vào chính sách đối ngoại nhưng không tham gia vào cuộc chạy đua vũ trang tốn kém với các đối thủ mạnh hơn ở phương Tây rõ ràng là một thách thức không dễ giải quyết đối với Moskva./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục