Tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, đặt câu hổi về nội dung phát triển công nghiệp phụ trợ và biện pháp để sớm thực hiện có kết quả chủ trương này.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên-Huế) về vấn đề công nghiệp phụ trợ, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết năm 2007, Chính phủ đã có quy hoạch công nghiệp hỗ trợ đến 2010 và tầm nhìn 2020. Đến năm 2011, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Quyết định số 12 về chính sách phát triển đối với công nghiệp hỗ trợ.
Giải đáp câu hỏi về việc liệu có thiếu chính sách cụ thể để phát triển công nghiệp hỗ trợ hay không và trách nhiệm của Bộ Công Thương trong vấn đề này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận công nghiệp hỗ trợ trong thời gian vừa qua vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề.
Để khắc phục điều đó, năm 2011, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 12 về một số chính sách khuyến khích đối với công nghiệp hỗ trợ. Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định về một số chính sách đối với một số nhóm hàng hóa liên quan đến công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực: chế tạo ôtô, điện tử, dệt may, da giày, hàng nhựa... Gần đây, Bộ Công Thương đã ban hành quy hoạch phát triển công nghiệp phụ trợ...
Bộ trưởng cho rằng nguyên nhân của hiện trạng này do cơ chế, chính sách có nhưng chưa đầy đủ, cấp độ pháp lý còn hạn chế, vì thế chưa tạo thuận lợi cho công nghiệp phụ trợ phát triển. Bộ trưởng cho rằng công nghiệp phụ trợ chủ yếu là phụ tùng, linh kiện. Để phát triển được các lĩnh vực này đòi hỏi phải có quy mô sản xuất khá, đủ để sản xuất với số lượng nhiều. Qua đó, giá thành mới có thể cạnh tranh được và tổ chức sản xuất thuận lợi hơn. Tuy nhiên trong thời gian vừa qua, trong nhiều sản phẩm hàng hóa, dung lượng của thị trường chưa đủ.
Một nguyên nhân khác được Bộ trưởng đề cập tới là với xu thế thương mại hóa toàn cầu ngày càng phát triển, sự phân công trong chuỗi sản phẩm, chuỗi giá trị gia tăng trên toàn cầu ngày càng đi vào xác định, quyết định bởi các doanh nghiệp lớn. Vì thế các doanh nghiệp đa quốc gia sản xuất các sản phẩm hàng hóa đã sử dụng mạng lưới các doanh nghiệp vệ tinh, mạng lưới các doanh nghiệp phụ trợ, hình thành sẵn có để chuyên cung cấp cho tập đoàn đa quốc gia này.
Bộ trưởng cho rằng “chúng ta đều đi sau, nên việc len chân được vào chuỗi giá trị toàn cầu cũng là điều hết sức khó khăn, trong bối cảnh đất nước sức còn đang yếu, kinh nghiệm chưa nhiều.”
Phân tích kỹ hơn về nội dung này, Bộ trưởng cho biết công nghiệp phụ trợ liên quan đến sản xuất linh kiện phụ tùng, đòi hỏi nguyên vật liệu, nhất là vật liệu mới, trong khi đó mặt hàng thép chế tạo, chất dẻo... hầu như phải nhập, do đó giá thành các sản phẩm công nghiệp phụ trợ này khó có thể cạnh tranh với các nhà sản xuất nước ngoài. Mặt khác, còn có nguyên nhân về con người. Công nghiệp phụ trợ là một ngành công nghiệp thông dụng lao động, đòi hỏi trình độ tay nghề rất cao, thập trí là nghệ nhân. Trong khi chúng ta đang thiếu đội ngũ này.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nêu rõ thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ có báo cáo với Chính phủ để có những giải pháp khắc phục được sự yếu kém của công nghiệp phụ trợ.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Đình Khanh (Hải Dương) về việc Bộ đã ban hành bao nhiêu văn bản trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, Bộ trưởng cho biết: thời gian vừa qua, nhất là từ năm 2011 cho đến nay, Bộ Công thương đã tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 3 văn bản: Quyết định số 12 năm 2011 về một số cơ chế chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế chính sách ưu đãi đối với một số nhóm hàng công nghiệp hỗ trợ; Quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ vừa ban hành tháng 10/2014.
Lý giải câu hỏi của đại biểu cho rằng việc còn phụ thuộc nhiều vào nước ngoài trong công nghiệp phụ trợ phải chăng là chưa có chính sách hỗ trợ có hiệu quả và đồng bộ, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thẳng thắn thừa nhận nguyên nhân đúng là do chưa đồng bộ và hiệu quả chưa cao.
Hiện, Bộ Công Thương đang trình Chính phủ ban hành nghị định mới bao quát được nhiều nội dung về cơ chế chính sách hơn các nghị định trước đây. Bộ trưởng cũng cho biết Bộ Công Thương mong Quốc hội xem xét và đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật năm 2015 hoặc đầu nhiệm kỳ khóa 14 có thể ban hành riêng một luật về công nghiệp phụ trợ. Đây chính là khung pháp luật quan trọng để có cơ sở thể chế hóa các chính sách cụ thể để phát triển công nghiệp phụ trợ.