“Công nghiệp phụ trợ không thể thay đổi nền kinh tế Việt Nam”

“Bỏ qua con vít, cái ốc… đi thẳng vào công nghệ lõi, tham gia chuỗi giá trị gia tăng cao nhất là con đường có thể làm thay đổi nền kinh tế Việt Nam hướng tới phát triển bền vững.”
“Công nghiệp phụ trợ không thể thay đổi nền kinh tế Việt Nam” ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

“Bỏ qua con vít, cái ốc… đi thẳng vào công nghệ lõi, tham gia chuỗi giá trị gia tăng cao nhất là con đường có thể làm thay đổi nền kinh tế Việt Nam hướng tới phát triển bền vững.”

Đây là ý kiến của ông Vũ Thanh Thắng, Phó Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ Bkav tại Diễn đàn “Đẳng cấp quốc tế-Lời giải cho Sản phẩm Việt,” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức, ngày 1/11, tại Hà Nội.


“Bánh nhỏ” thường phải chia nhiều phần

Vừa qua, Samsung công bố danh sách 170 loại linh kiện đơn giản như ốc vít, sạc pin, tai nghe… nhưng không tìm nổi nhà cung cấp tại Việt Nam. Trước đó, đại diện Canon Việt Nam, Sony Việt Nam cũng cho biết các doanh nghiệp nội mới chỉ đáp ứng được công đoạn bao bì đóng gói sản phẩm trong chuỗi cung ứng của họ. Điều này đã dấy lên những nghi ngại rằng năng lực và trình độ sản xuất hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.

Tại Diễn đàn, tiến sỹ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhấn mạnh, “trên thực tế có phải như vậy không? Tôi nghĩ vừa phải mà vừa không phải. Đúng là doanh nghiệp nước ngoài đang sử dụng các sản phẩm đơn giản của Việt Nam, nhưng không phải là doanh nghiệp Việt Nam chỉ sản xuất được các sản phẩm đơn giản.

Mặc dù còn rất nhiều khó khăn nhưng mới đây một số doanh nghiệp Việt Nam đã đi tiên phong, mạnh dạn đầu tư xây dựng cơ sở nghiên cứu với thiết bị hiện đại và nhân lực trình độ cao để triển khai nghiên cứu phát triển những sản phẩm đạt đẳng cấp quốc tế cả về công nghệ, chất lượng và giá thành. Điều này cho thấy chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào năng lực doanh nghiệp Việt Nam có thể tự làm chủ công nghệ nguồn, đạt trình độ sản xuất không thua kém gì các nước tiên tiến trên thế giới.”

“Công nghiệp phụ trợ không thể thay đổi nền kinh tế Việt Nam” ảnh 2Diễn đàn “Đẳng cấp quốc tế - Lời giải cho Sản phẩm Việt" tổ chức tại Hà Nội, ngày 1/11. (Ảnh: VCCI)

Ông Vũ Thanh Thắng cho rằng, nền kinh tế Việt Nam chủ yếu dự trên sự khai thác các nguồn tài nguyên có sẵn, như tài nguyên thiên nhiên, nhân công giá rẻ, khoáng sản, tài nguyên nước. Tuy nhiên, các tài nguyên khai thác nhiều sẽ cạn kiệt, nhân công giá rẻ lợi nhuận thu về rất thấp, khiến cho nền kinh tế dễ rơi vào sự phụ thuộc, không thể phát triển bền vững.

Vì vậy, các doanh nghiệp cần phải biết khai thác và đầu tư cho phát triển bền vững.

Nếu chỉ “nhăm nhăm” hướng tới chuỗi giá trị cung ứng thì đây chưa phải là giải pháp thông minh. Bởi theo ông Thắng phân tích, “với một sản phẩm điện thoại như ‘iPhone 6,' cả một chuỗi hơn 100 nhà cung cấp chia nhau “miếng bánh” giá trị khoảng 250USD, trong khi nhà sản xuất với thiết kế và công nghệ độc quyền sẽ hưởng giá trị khoảng 700USD. Do đó, sản xuất sản phẩm phụ trợ không thể thay đổi được nền kinh tế Việt Nam.”

Đạt chuẩn trước … rồi mới mong có đẳng cấp

Tuy nhiên để sản phẩm Việt vươn tới được đẳng cấp quốc tế, tiến sỹ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, trước hết, các sản phẩm của Việt Nam phải đạt được tiêu chuẩn mà quốc tế công nhận.

Theo ông Thành, doanh nghiệp Việt Nam cần có năm điều để hướng tới đẳng cấp quốc tế.  Thứ nhất, môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch. Thứ hai, sản phẩm và dịch vụ đạt chuẩn mực kỹ thuật đạt tới tiêu chuẩn quốc tế.

Thứ ba, đằng sau công nghệ phải là sáng tạo, đi cùng bản quyền và thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Thứ tư, doanh nghiệp xây dựng thương hiệu gắn với pháp lý và giá trị phải được tôn vinh. Cuối cùng là chắt chiu, giữ gìn lịch sử cha ông giữ lại, điều này tạo giá trị gia tăng rất cao cho doanh nghiệp.

Về điều này, ông Thắng tâm đắc và chia sẻ, “cách đây 10 năm Bkav đã quyết định làm chủ công nghệ để tham gia vào công đoạn có giá trị lớn nhất trong chuỗi giá trị gia tăng đó là nghiên cứu, thiết kế phát triển… với bốn trọng tâm nguồn nhân lực, sản xuất phụ trợ, văn hóa doanh nghiệp và vốn.”

Kết quả, Bkav đã ra mắt được một sản phẩm mới và thuần Việt SmartHome, đây là hệ thống nhà thông minh hoàn chỉnh, có thể điều khiển và kiểm soát ngôi nhà thông minh qua một giao diện trực quan 3D trên điện thoại thông minh, máy tính bảng, ở đó các thiết bị trong ngôi nhà được mô phỏng giống như sử dụng thực tế. Theo đó, hệ thống sẽ điều khiển từ ánh sáng, rèm mành, kiểm soát môi trường sống, an ninh, giải trí tới bình nóng lạnh… trong mỗi ngôi nhà.

“Công nghiệp phụ trợ không thể thay đổi nền kinh tế Việt Nam” ảnh 3Sản phẩm SmartHome được giới thiệu tại Diễn đàn. (Ảnh: VCCI)

Với các thế hệ SmartHome hiện đang có ông Thắng khẳng định, “giải pháp của Bkav là giải pháp nhà thông minh hoàn chỉnh nhất hiện nay, tiến một bước trước các đại gia công nghệ trên thế giới. Khác biệt của Bkav SmartHome so với giải pháp của các hãng khác trên thế giới như Schneider, Siemens chính là triết lý tiếp cận ‘nhà thông minh’ từ phần mềm, khiến hệ thống thực sự thông minh, có thể hiểu và giao tiếp với người dùng thay vì chỉ là nhà tự động như giải pháp của các hãng khác.”

Trước những ý kiến đưa ra, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Trần Việt Thanh đánh giá cao cách tiếp cận lấy doanh nghiệp và sản phẩm Việt làm chìa khóa cho mục tiêu vươn tới đẳng cấp quốc tế của nền kinh tế Việt Nam tại Diễn đàn hôm nay.

“Song, phương tiện đòn bẩy giúp doanh nghiệp và sản phẩm Việt nâng cao được năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh khốc liệt, không gì khác chính là yếu tố khoa học và công nghệ,” ông Thanh tái khẳng định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.