Bộ Công Thương: Dự án Alumin Tân Rai đã đạt được công suất thiết kế

Theo Bộ trưởng Trấn Tuấn Anh, trong giai đoạn hiện nay, thị trường alumin đã có phát triển tương đối tốt. Đến năm 2018 đạt 480 USD/tấn và đến tháng 4/2018 giá có thể lên tới đỉnh điểm là 672 USD/tấn.
Một góc Nhà máy Alumin Nhân Cơ. (Ảnh: Anh Dũng/TTXVN)

Thông tin về hai dự án bauxite Tây Nguyên là Alumin tại Tân Rai (Lâm Đồng) và dự án Alumin Nhân Cơ (Đắk Nông), Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng đinh, cả hai dự án đã triển khai tương đối đúng tiến độ cũng như đảm bảo các yêu cầu đặt ra trong nội dung của dự án.

[Nhà máy Alumin Nhân Cơ đạt tổng doanh thu hơn 3.692 tỷ đồng]

Thị trường Alumin đã có phát triển tốt

Nói rõ hơn, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, năm 2013 dự án sản xuất Alumin Tân Rai đã đi vào hoạt động với công suất tương đối ổn định và đạt được công suất thiết kế so với dự án đầu tư đã được phê duyệt với sản lượng dự án hiện nay là 650.000 tấn alumin.

Trong khi đó, dự án Alumin Nhân Cơ bắt đầu đi vào hoạt động ngày 16/12/2016 và cũng đã có sản phẩm alumin đầu tiên. Tính đến nay, công suất thiết kế đang đạt khoảng 77% công suất tính đến cuối năm 2017 và dự kiến trong năm 2018 đạt được 580.000 tấn, đạt hơn 85%.

"Đến năm 2019 dự án Alumin Nhân Cơ sẽ đạt được công suất thiết kế," Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết thêm.

Người đứng đầu ngành công thương cũng giải tỏa những lo ngại liên quan đến chất lượng công nghệ, bảo vệ môi trường cũng như sự vận hành ổn định và an toàn của nhà máy có thể tác động chung đối với đời sống, kinh tế - xã hội của địa phương... khi khẳng định, cả hai dự án này về cơ bản đã đạt được các nội dung trên.

Cũng theo Bộ trưởng Trấn Tuấn Anh, trong giai đoạn hiện nay, thị trường alumin đã có phát triển tương đối tốt, giá bán tăng liên tục từ năm 2017 trung bình 344 USD/tấn FOB, đến năm 2018 đạt 480 USD/tấn.

"Mục tiêu trong đề án tổng thể về khai thác và chế biến chuỗi sản phẩm nhôm không dừng ở khai thác, chế biến alumin và xuất khẩu. Nhưng đây là một dự án lớn và tổ hợp các dự án, trong đó được phân kỳ đầu tư theo các giai đoạn khác nhau," Người đứng đầu ngành công thương nói.

Kết thúc đánh giá vào cuối 2018

Đối với việc đánh giá thí điểm, Bộ trưởng Công Thương cho biết, đang triển khai tích cực theo chỉ đạo của Chính phủ, đang lấy ý kiến và phối hợp cùng các bộ, ngành tài nguyên môi trường, khoa học công nghệ, kế hoạch đầu tư, tài chính, công an và địa phương để đánh giá toàn diện và tổng thể hiệu quả dự án trong tất cả các lĩnh vực chứ không chỉ kinh tế thương mại mà còn cả an ninh, xã hội, ổn định chính trị cũng như phát triển chung.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng dự kiến kết thúc đánh giá này vào cuối năm 2018 để sớm báo cáo cử tri và Quốc hội cho chủ trương tiếp theo," Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thông tin thêm.

Trong khi đó, ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) thông tin thêm, năm 2007, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công nghiệp nay là Bộ Công Thương có chỉ đạo TKV triển khai dự án bôxít ở Tây Nguyên theo nguyên tắc đó là hai dự án thí điểm và khi thí điểm xong đạt yêu cầu chúng ta mới triển khai tiếp.

Năm 2011, Ủy ban Quốc hội đã giám sát 5 yêu cầu Bộ Chính trị đưa ra cho hai dự án này, đó là đảm bảo an ninh quốc phòng, môi trường, văn hóa và xã hội dân tộc Tây Nguyên, giao thông và hiệu quả kinh tế.

"Hiện nay, hai dự này, như Bộ trưởng Bộ Công Thương đã báo cáo: Tân Rai đã đạt công suất thiết kế, còn Nhân Cơ đang phấn đấu đạt công suất thiết kế. Bên cạnh đó, vừa qua, đã thuê Viện Kinh tế - Bộ Xây dựng đánh giá hiệu qủa kinh tế. Có thể nói, hai dự án này đã đủ điều kiện để tổng hợp, báo cáo Bộ Chính trị," ông Lê Minh Chuẩn chia sẻ thêm.

Bên cạnh đó, lãnh đạo TKV cũng lưu ý, việc triển khai các dự án kế tiếp bao gồm điện phân nhôm là những dự án sẽ triển khai trong quy hoạch sau. Đồng thời, phải trên cơ sở đánh giá thực tiễn từ kết quả triển khai thực tế hai dự án khai thác và chế biến Alumin ở Tân Rai và Nhân Cơ./.

Nhà máy alumin Nhân Cơ cho ra sản phẩm Hydrat đầu tiên. (Nguồn: VNEWS)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục