Bộ Công Thương: Hệ số đàn hồi điện/GDP của ngành điện còn quá cao

Hệ số đàn hồi điện/GDP mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện thời gian qua còn rất cao, theo lãnh đạo Bộ Công Thương, EVN cần phải có nhiều giải pháp quyết liệt mới có thể hoàn thành chỉ tiêu.
Ảnh chỉ mang tính minh họa (Nguồn: PV/Vietnam+)

Cho rằng hệ số đàn hồi điện/GDP mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện thời gian qua còn rất cao, theo lãnh đạo Bộ Công Thương, EVN cần phải có nhiều giải pháp quyết liệt mới có thể hoàn thành chỉ tiêu mà Chính phủ giao.

Nhấn mạnh tại buổi họp giao ban do Bộ Công Thương tổ chức ngày 5/10, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho biết, khi phê duyệt Quy hoạch điện VII, Chính phủ yêu cầu phải giảm dần hệ số đàn hồi điện/GDP xuống còn 1,5 vào năm 2015 và 1,0 vào năm 2020. Tuy nhiên, đến thời điểm này, hệ số trên đang giữ ở mức 2,0.

"Tập đoàn Điện lực phải tính toán lại và đề ra các giải pháp đồng bộ, bởi cách thực hiện như hiện nay, nhiều khả năng EVN đang đi giật lùi," thứ trưởng Cao Quốc Hưng nói.

Trước đó, báo cáo với Bộ Công Thương, ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, điện thương phẩm tháng Chín của tập đoàn đạt 12,88 tỷ kWh, lũy kế 9 tháng đạt 106,7 tỷ kWh, tăng 12% so với cùng kỳ.

"Nếu đánh giá mức tăng trưởng GDP năm 2015 ở mức 6,5-6,8% thì hệ số đàn hồi đang tăng gấp 2 lần và là vấn đề lo ngại trong việc tiết kiệm và sử dụng điện năng," ông Tài Anh nói.

Theo báo cáo thống kê từ Quy hoạch điện VI, hệ số đàn hồi điện trong khoảng 5 năm trở lại đây của nước ta dao động từ 1,98 - 2,0 và là con số khá cao so với các nước trong khu vực và cả trên thế giới.

Đặc biệt, ở các nước phát triển, hệ số này chỉ vào khoảng xấp xỉ bằng 1,0, thậm chí có những nước chỉ từ 0,5 - 0,8 so với tăng trưởng GDP. Như vậy, thông qua các chỉ tiêu hiện nay cho thấy, hiệu quả sử dụng điện của Việt Nam còn thấp, chưa tạo ra được giá trị kinh tế cao từ mỗi kWh điện.

Nói về vấn đề trên, theo giáo sư, viện sỹ Trần Đình Long (Phó Chủ tịch Hội Điện năng Việt Nam), ​do một thời gian dài, nhiều ngành công nghiệp nặng được ưu tiên phát triển như luyện kim, ximăng, sắt thép… tuy nhiên việc đổi mới công nghệ, máy móc còn lạc hậu do vậy dẫn đến tiêu thụ điện lớn và làm ra giá trị gia tăng thấp.

Ngoài ra, ý thức sử dụng điện vẫn còn chưa tiết kiệm, dẫn đến dùng điện một cách lãng phí, khiến hiệu quả kinh tế do ngành điện đóng góp cho GDP không cao…

Do vậy, theo giáo sư Trần Đình Long, việc xây dựng biểu giá điện lũy tiến, có những bậc thang riêng dành cho các đối tượng khách hàng tiêu thụ nhiều điện năng để họ thấy sự cần thiết phải sử dụng điện một cách tiết kiệm, hiệu quả hơn là vấn đề cấp thiết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục