Dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước do gián đoạn chuỗi cung ứng và nhu cầu tiêu dùng cũng sụt giảm.
Tuy nhiên, nếu chuẩn bị tốt thì khi hết dịch, nhiều cơ hội sẽ mở ra cho doanh nghiệp để tối ưu hóa năng lực sản xuất, mở rộng thị trường và tiến sâu vào chuỗi cung ứng.
[Bộ Công Thương đề xuất giảm giá điện trong bối cảnh dịch COVID-19]
Đây cũng là nội dung chính tại cuộc họp do Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chủ trì chiều 24/4 với các Cục, Vụ chức năng của bộ nhằm bàn thảo các giải pháp hỗ trợ các ngành công nghiệp và thương mại trong giai đoạn mới, đó là vừa chống dịch COVID-19 vừa tập trung phát triển kinh tế - xã hội.
Nhiều đơn hàng sụt giảm
Nhìn lại các hoạt động sản xuất của các ngành công nghiệp, thương mại nội địa cũng như công tác xuất nhập khẩu hàng hóa quý 1/2020 có thể thấy hầu như tất cả các ngành kinh tế trong nước đều bị tác động. Trong đó nhiều ngành công nghiệp quan trọng bị ảnh hưởng nặng nề, như dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử…
Cụ thể, theo ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp, tình hình dịch bệnh ở EU và Hoa Kỳ đã ảnh hưởng rất lớn tới ngành dệt may, da giày của Việt Nam, tác động tới việc làm của hơn 4 triệu lao động trực tiếp và khoảng hơn 4 triệu lao động gián tiếp của các ngành này.
Ông cũng dự báo nhiều đơn hàng trong lĩnh vực điện tử tháng Tư và các tháng tiếp theo có thể sụt giảm đáng kể. Ngoài ra, một số cửa hàng, đại lý bán xe ôtô, nhà máy có thể vẫn trong trạng thái hoạt động cầm chừng…
“Các doanh nghiệp nhất là lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ năng lực còn hạn chế, nếu có cơ hội chuyển dịch chuỗi cung ứng thì năng lực các doanh nghiệp nội phải đủ mạnh mới tận dụng được còn ngược lại sẽ khó tận dụng được cơ hội mang lại,” ông Hoài cho hay.
Với bối cảnh hiện nay, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ông Trường Thanh Hoài kiến nghị nhiều giải pháp cụ thể, trong đó tập trung vào các khoản hỗ trợ trực tiếp, từ vốn vay ngân hàng, hỗ trợ về tiền thuê đất đai...
Với doanh nghiệp vừa và nhỏ, lãnh đạo Cục công nghiệp kiến nghị có gói tín dụng trực tiếp, ít nhất là các khoản vay để doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đồng thời hỗ trợ trực tiếp cho người lao động tại các doanh nghiệp sản xuất và tăng cường đầu tư công…
Liên quan đến thị trường xuất khẩu, theo ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu, dịch bệnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu trong quý 1. Đơn cử như thị trường ASEAN chỉ tăng 0,6%, trong khi thị trường EU giảm 5,2%... Tuy vậy thị trường Trung Quốc duy trì được mức tăng cao, hơn 19%.
Trước thực tế hiện nay, để tạo động lực mới thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt là những mặt hàng chủ lực như: dệt may, da giày và đồ gỗ, ông Phan Văn Chinh cho rằng cần có các chương trình xúc tiến thương mại, thậm chí là đẩy mạnh hỗ trợ cho các doanh nghiệp lớn vượt qua giai đoạn khó khăn, trong đó tập trung vào các vấn đề về lao động và việc làm.
“Cục đã liên tục họp bàn và tham mưu giúp lãnh đạo Bộ ban hành các thông tư để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời đưa ra các giải pháp khơi thông thị trường xuất khẩu nông sản qua biên giới,” ông Phan Văn Chinh nói.
Tập trung khơi thông thị trường
Đánh giá lại tình hình cung - cầu hàng hóa thời gian vừa qua, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước thông tin thêm mặc dù không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá trong thời gian cách ly, song dịch bệnh đã tác động mạnh tới các ngành dịch vụ, du lịch…, làm cho thu nhập của người lao động cũng như tiêu thụ nội địa giảm.
Vì vậy, để đẩy mạnh thị trường trong nước trong trạng thái “ bình thường mới,” ông Trần Duy Đông đề xuất thực hiện đồng loạt các vấn đề, đó là đảm bảo đầy đủ cung ứng hàng hóa, tận dụng thương mại điện tử và đẩy mạnh liên kết trong trạng thái mới.
Còn theo ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ kế hoạch, sản xuất công nghiệp và thương mại 3 tháng đầu năm dù có sự sụt giảm so với cùng kỳ những năm trước đây, song nhờ triển khai nhiều giải pháp nên vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực.
Theo đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) quý 1/2020 tăng 5,8%. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 63,24 tỷ USD, tăng 7,5%, tương ứng tăng 4,43 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, nhập khẩu đạt 59,49 tỷ USD, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước, đưa xuất siêu quý 1 lên 3,74 tỷ USD, cao hơn so với mức xuất siêu 1,46 tỷ USD của cùng kỳ năm 2019.
“Kết quả này cho thấy hiệu quả của các biện pháp ứng phó và quyết tâm của Chính phủ cũng như cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội,” ông Dương Duy Hưng nói.
Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh về các gói tín dụng hỗ trợ, đề xuất Chính phủ và các cơ quan chức năng xem xét giãn, giảm, miễn các loại thuế đối với những ngành công nghiệp như dệt may, da giày, công nghiệp điện tử... có thâm dụng lao động lớn.
Bên cạnh đó, ông Trần Tuấn Anh lưu ý các giải pháp để khơi thông thị trường cả trong nước và xuất khẩu, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử và kinh tế số để tận dụng các cơ hội phát triển hiện nay trên thế giới.
“Các giải pháp trong thời gian tới phải đồng bộ, toàn diện, phải gắn với chủ thể chính của nền kinh tế là doanh nghiệp và người dân cũng như đảm bảo sản xuất và an sinh xã hội...,” Bộ trưởng nói./.
- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói về tác động của dịch COVID-19: