Bộ đồ bơi burkini của người Hồi giáo lại gây tranh cãi tại Bỉ

Giống như ở nhiều nước châu Âu khác, tại Bỉ, cuộc tranh cãi liên quan tới phụ nữ Hồi giáo mặc đồ bơi burkini trên bãi biển cũng không kém phần gay gắt với rất nhiều phản ứng khác nhau.
Trang phục bơi burkini (trái) dành cho phụ nữ Hồi giáo được trưng bày tại trung tâm thương mại ở Kuala Lumpur, Malaysia. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Giống như ở nhiều nước châu Âu khác, tại Bỉ, cuộc tranh cãi liên quan tới phụ nữ Hồi giáo mặc đồ bơi burkini trên bãi biển cũng không kém phần gay gắt với rất nhiều phản ứng khác nhau, sau khi một loạt địa phương và khu nghỉ dưỡng của Pháp đưa ra lệnh cấm mặc đồ bơi burkini trong bối cảnh diễn ra các vụ tấn công khủng bố đẫm máu do các phần tử Hồi giáo cực đoan thực hiện chỉ trong vòng 19 tháng qua.

Đảng dân tộc chủ nghĩa Flamand (N-VA) muốn cấm trang phục này ở bể bơi cũng như trên bãi biển.

Theo bà Nadia Sminate, Chủ tịch Ủy ban cực đoan ở Flanders (vùng nói tiếng Hà Lan), đồ bơi burkini là "dấu hiệu phục tùng" của phụ nữ và nếu cho phép điều này có nghĩa là đặt phụ nữ ở bên lề xã hội.

Trong khi đó, tại các bãi biển của Bỉ, nhất là tại Blankenberge có rất nhiều phụ nữ Hồi giáo mang trang phục burkini.

Phản ứng về điều này, Thị trưởng Blankenberge Patrick De Klerck cho rằng việc phụ nữ mặc burkini trên bãi biển không gây ra sự khó chịu nào và ông sẽ không đưa ra lệnh cấm trang phục này trên bãi biển.

Còn ở thủ đô Brussels, chỉ duy nhất bể bơi Victor Boin ở quận Saint-Gilles cho phép phụ nữ mặc trang phục burkini xuống tắm, những bể bơi khác đều cấm với lý do "đảm bảo vệ sinh."

Tới nay, có 6 địa phương tại Pháp đưa ra lệnh cấm mặc đồ bơi burkini che kín của người Hồi giáo với mũ trùm đầu tại các bãi biển công cộng do lo ngại xảy ra các vụ ẩu đả và tranh cãi liên quan đến bộ trang phục này.

Thủ tướng Pháp Manuel Valls cho rằng việc mặc đồ bơi burkini là không phù hợp với các quy chuẩn ứng xử của Pháp cũng như với nền cộng hòa của quốc gia này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục