Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 29/4, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ nêu quan điểm của Bộ về ảnh hưởng tiêu cực của video “There's No One At All” của ca sỹ Sơn Tùng M-TP đến giới trẻ.
Trước đó, tối 28/4, nam ca sỹ phát hành video ca nhạc (MV) này trên kênh YouTube chính thức và ngay lập tức đã vấp phải sự phản đối trong dư luận vì nội dung có nhiều yếu tố bạo lực, tiêu cực. Nhiều khán giả lo ngại cảnh Sơn Tùng M-TP tự sát trong MV nêu trên có thể gây tác động tiêu cực tới tâm lý giới trẻ, đặc biệt trong bối cảnh học sinh bị trầm cảm, tự tử... đang gây quan ngại trong xã hội.
Ông Độ cho hay đã nắm được tình hình đồng thời khẳng định Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục tăng cường công tác hướng nghiệp, tư vấn giáo dục tư tưởng cho các em để các em có đủ hiểu biết, không bị ảnh hưởng bởi những video clip độc hại lan truyền trên mạng xã hội.
Ông cũng nói thêm rằng những sự việc như vậy cần sự phối hợp của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tăng cường công tác quản lý Nhà nước.
Cũng trong cuộc họp báo, Thứ trưởng khẳng định không có sự việc ép học sinh thành tích kém phải chuyển trường hoặc không đăng ký thi vào lớp 10 công lập.
Vừa qua, dư luận xuất hiện thông tin một số trường ở quận Cầu Giấy, Hà Nội ép học sinh lớp 9 thành tích kém phải chuyển trường hoặc không đăng ký thi vào lớp 10 công lập, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội rà soát, làm rõ thông tin này. Sở đã yêu cầu Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy xuống các trường rà soát, làm việc với trường và phụ huynh học sinh liên quan.
“Sau khi xác minh, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy kết luận là không có sự việc này. Những thông tin này có thể xuất phát từ việc tư vấn hướng nghiệp cho các em học sinh cuối cấp,” ông Độ cho biết.
Hiện nay, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-UBND về việc tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6, lớp 10 năm học 2022-2023 đảm bảo chặt chẽ nghiêm túc, nếu phát hiện ra sai phạm sẽ xử lý kịp thời.
Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ 28/12/2017, Bộ đã ban hành Công văn 6122 khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục, tăng cường quản lý thi cử. Thứ trưởng khẳng định rằng thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục ban hành các văn bản, đặc biệt sẽ triển khai nghiêm túc việc chống bệnh thành tích trong giáo dục.
[Hà Nội: Không để giáo viên ép học sinh lựa chọn nguyện vọng học tiếp]
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ chỉ đạo các tỉnh, thành phố quản lý chặt chẽ, tổ chức thực chất các kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, xét tuyển vào trung học cơ sở, trung học phổ thông cũng như vấn đề thi tốt nghiệp.
“Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ làm tốt công tác hướng nghiệp trong nhà trường, tránh việc không thực chất, ‘bệnh hình thức’ dẫn đến việc thấy học sinh có thể chưa có kết quả tốt mà tư vấn chuyển trường này trường khác như sự việc vừa qua,” ông Độ nói.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng như dư luận nêu lên vừa qua./.