Với nguồn vốn đầu tư công được giao bổ sung và dự kiến đạt 75.500 tỷ đồng, đến nay, các chủ đầu tư, nhà thầu đang nỗ lực, tăng tốc đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án giao thông nhằm hoàn thành mục tiêu giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao.
Các dự án cao tốc chiếm nguồn vốn giải ngân chính
Tại Dự án cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn, đại diện Ban Quản lý dự án 2 cho biết sau 22 tháng thi công, tiến độ dự án đạt hơn 45%, sản lượng gia tăng mỗi ngày. Lũy kế đến nay, dự án đạt gần 6.200 tỷ đồng trong tổng số hơn 13.400 tỷ đồng vốn xây lắp.
Riêng năm 2024, kế hoạch vốn bố trí cho dự án hạng mục xây lắp hơn 4.000 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân khoảng 2.700 tỷ đồng, đạt hơn 66%.
Có mốc tiến độ hoàn thành vào ngày 30/4/2025, Dự án cao tốc Hàm Nghi-Vũng Áng đang được các nhà thầu huy động thêm máy móc, công nhân để đẩy nhanh thi công từng hạng mục. Hiện, trung bình giá trị thực hiện của các nhà thầu đạt gần 15 tỷ đồng/ngày và trên 100 tỷ đồng/tuần.
Lãnh đạo Ban Quản lý dự án Thăng Long cho biết tháng 8/2024, cao tốc Hàm Nghi-Vũng Áng và Bãi Vọt-Hàm Nghi đã được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận bổ sung vốn lần lượt 977 tỷ đồng và 800 tỷ đồng.
“Việc tăng tốc thi công giúp giải ngân nguồn vốn ở hai dự án tăng đáng kể. Hết tháng 10/2024, sản lượng giải ngân của đơn vị đạt hơn 3.700 tỷ đồng (hơn 56% kế hoạch vốn được giao),” lãnh đạo Ban Quản lý dự án Thăng Long đánh giá.
Giải ngân vốn đầu tư công cao, nhiều dự án giao thông rút ngắn tiến độ
Hàng loạt dự án giao thông triển khai thi công đáp ứng tiến độ đề ra, thậm chí các nhà thầu tăng tốc máy móc, nhân lực và đăng ký rút ngắn tiến độ hoàn thành từ 3-6 tháng.
Tại dự án cao tốc Vân Phong-Nha Trang, phía Ban Quản lý dự án 7 thông tin, hiện đang có 1.300 nhân lực và 800 thiết bị thi công. Sản lượng thi công lũy kế hơn 76% giá trị hợp đồng, tiến độ hoàn thành trước ngày 30/4/2025 là rất khả quan.
Là nhà thầu thi công ở dự án này, đại diện Tập đoàn Sơn Hải cho biết giai đoạn chạy nước rút về đích, hạng mục thi công mặt đường và hệ thống an toàn giao thông đang được nhà thầu tập trung, sản lượng trung bình mỗi tháng đạt khoảng 100 tỷ đồng, tăng hơn 1,5 lần so với thời điểm trước phát động thi đua.
Trên tổng kế hoạch vốn gần 3.000 tỷ đồng được giao trong năm nay, thời điểm này, giá trị giải ngân tại Dự án Chí Thạnh-Vân Phong đã đạt hơn 1.900 tỷ đồng, đạt hơn 64% kế hoạch. Đặc biệt, Sản lượng trung bình đạt khoảng 60 tỷ đồng/tuần, tăng khoảng 10 tỷ đồng so với thời điểm thông thường.
Tại phía Nam, theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, sản lượng thi công cao tốc Cần Thơ-Cà Mau đạt 46% kế hoạch, chậm 11%. Nguyên nhân là do thiếu nguồn vật liệu cát, chưa khai thác và cung ứng hết công suất từ các mỏ cát (trung bình 50.000m3/ngày trong khi nhu cầu cần 76.000m3/ngày). Hiện nhà thầu đã đưa về công trường 9,8 triệu m3, còn thiếu hơn 5,6 triệu m3. Ban đã làm việc với 5 tỉnh miền Tây để đảm bảo nguồn cát còn thiếu nhằm cung cấp cho nhà thầu để đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo đảm mục tiêu hoàn thành gia tải vào 31/12/2024 và hoàn thành dự án vào 31/12/2025.
Mục tiêu hoàn thành giải ngân 100% vốn được giao
Theo báo cáo của Vụ Kế hoạch-Đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải), hết tháng 9/2024, Bộ Giao thông Vận tải được Thủ tướng Chính phủ giao 71.288 tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2024 và mới được Thủ tướng giao thêm 1.240 tỷ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022. Dự kiến, các dự án nhóm B đang thiếu vốn sẽ tiếp tục được Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung thêm khoảng gần 3.000 tỷ đồng. Tính chung cả năm, bộ dự kiến được giao gần 75.500 tỷ đồng nguồn vốn đầu tư công.
Ước đến hết tháng 10/2024, Bộ Giao thông Vận tải đã giải ngân 47.759 tỷ đồng, đạt 63% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Khối lượng giải ngân tập trung nhiều nhất vẫn là các Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đạt 26.496/36.807 tỷ đồng.
Cuộc đua nước rút để đảm bảo mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công 95%
Sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, việc tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, sự nỗ lực của các bộ, ngành và địa phương là những yếu tố then chốt trong cuộc đua nước rút về giải ngân vốn đầu tư công.
Nhằm đẩy nhanh kế hoạch giải ngân trong những tháng cuối năm, Bộ Giao thông Vận tải sẽ gắn trách nhiệm người đứng đầu đơn vị với kết quả giải ngân, coi đây là tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ cuối năm.
Ngoài việc thường xuyên rà soát kế hoạch giải ngân chi tiết cho từng dự án và cam kết chịu trách nhiệm trước Bộ Giao thông Vận tải về tiến độ giải ngân, các chủ đầu tư/ban quản lý dự án và nhà thầu tập trung mọi nguồn lực, tranh thủ thời tiết thuận lợi để triển khai thi công; phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật, khai thác mỏ vật liệu; tăng cường, nhân sự để kịp thời hoàn thành hồ sơ nội nghiệp và thủ tục nghiệm thu, thanh toán khối lượng đã thi công, đảm bảo nguồn tài chính phục vụ thi công.
Bộ Giao thông Vận tải cũng giám sát tiến độ giải ngân hằng tháng, kịp thời điều hòa, điều chỉnh vốn từ các dự án giải ngân chậm sang các dự án có khả năng giải ngân nhanh hơn; tăng cường hơn nữa công tác kiểm soát chất lượng công trình, đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lao động, vệ sinh môi trường trong quá trình thi công./.