Bộ KH-ĐT: Mạng lưới doanh nhân nữ Việt Nam hoạt động hiệu quả nhất ASEAN

Tại Việt Nam, phụ nữ làm chủ chiếm 20% trong tổng số doanh nghiệp mô nhỏ và vừa. Lực lượng này có vai trò quan trọng trong tạo việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Lễ công bố nghiên cứu đầu tiên về các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ ở Việt Nam, ngày 23/1. (Ảnh: Vietnam+)

Trong giai đoạn 2012-2022, số lượng doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ liên tục tăng với tốc độ trên 2%/năm và cao hơn so với tốc độ tăng trung bình của khu vực doanh nghiệp. Hiện, Việt Nam là một trong các thị trường doanh nhân nữ phát triển thuận lợi, mạng lưới doanh nghiệp nữ hoạt động hiệu quả nhất ASEAN.

Nội dung trên được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư-Trần Duy Đông thông tin tại Lễ công bố nghiên cứu đầu tiên về các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ ở Việt Nam, ngày 23/1.

Nữ doanh nhân chiếm 20%

Với tựa đề “Thúc đẩy Tăng trưởng Doanh nghiệp thông qua Tháo gỡ các Rào cản: Sách Trắng về Doanh nghiệp nhỏ và vừa do Phụ nữ làm chủ ở Việt Nam,” ấn phẩm do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hợp tác với Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo. Cuốn sách là sản phẩm của Chương trình ”Tăng tốc phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp của phụ nữ ở Đông Nam Á và Thái Bình Dương (WAVES),” do Quỹ Sáng kiến tài chính dành cho nữ doanh nhân (We-Fi) tài trợ.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết tại Việt Nam, 98% tổng số doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, trong đó 20% là do phụ nữ làm chủ. Lực lượng này có vai trò quan trọng trong tạo việc làm, cải thiện thu nhập cho người lao động, góp phần tích cực giảm đói nghèo và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ở góc độ phát triển xã hội, các doanh nghiệp này góp phần tăng vị thế của phụ nữ, tăng đầu tư cho y tế, giáo dục của trẻ em nhất là các trẻ em gái, làm tăng lợi ích xã hội, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững.

Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, các doanh nhân nữ là những người linh hoạt, mềm dẻo nhưng cũng rất kiên cường và bền bỉ. Họ cũng là những người tiên phong hướng tới tạo dựng một nền sản xuất sạch, vì sức khỏe của cộng đồng và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Nhiều điển hình doanh nhân nữ thành công trên thương trường và đưa được các thương hiệu, sản phẩm nổi tiếng của Việt Nam ra thị trường quốc tế, như Vinamilk, TH True milk, Vietjet…

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư-Trần Duy Đông. (Ảnh: Vietnam+)

Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh hiện nay các doanh nghiệp do nữ làm chủ đa số có quy mô siêu nhỏ và nhỏ. Số doanh nghiệp quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt các chuỗi cung ứng còn ít. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong tiếp cận các nguồn lực, sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động đồng thời năng lực kinh doanh, kỹ năng quản trị còn hạn chế. Bên cạnh đó, doanh nhân nữ vẫn phải đối diện với các thách thức, rào cản xuất phát từ một số định kiến xã hội và hủ tục truyền thống.

Ưu tiên hỗ trợ phát triển nữ doanh nhân

Thứ trưởng Trần Duy Đông đánh giá thời gian tới, kinh tế thế giới và khu vực có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Nhưng, khó khăn và thách thức sẽ nhiều hơn, trong đó có những yếu tố phức tạp mới, tác động khá toàn diện tới nền kinh tế Việt Nam cùng với những khó khăn kéo dài từ dịch bệnh COVID-19 đến nay. Những yếu tố này sẽ tiếp tục ảnh hưởng mạnh mẽ tới hoạt động sản xuất kinh doanh và sự phát triển của các doanh nghiệp nói chung và doanh nhân nữ nói riêng.

Trên thế giới, thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ đã được đưa vào Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc cũng như chương trình hoạt động của nhiều tổ chức quốc tế trong đó có Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Tại Việt Nam, đây là một định hướng chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước. Vừa qua, Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới đã đề ra giải pháp có chính sách ưu tiên hỗ trợ phát triển doanh nhân nữ. Bên cạnh đó, Chiến lược Quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 cũng đề ra mục tiêu phấn đấu tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đạt ít nhất 27% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030. Tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Nghị định số 80/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật đã bổ sung chi tiết một số chính sách ưu tiên hỗ trợ cho đối tượng doanh nghiệp do nữ làm chủ với các định mức hỗ trợ cao hơn công ty nói chung.

Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp để lắng nghe, tổng hợp và nghiên cứu đề xuất trình Chính phủ kịp thời ban hành nhiều chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, rào cản, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ nói riêng.

Ấn phẩm Sách Trắng dựa trên cơ sở dữ liệu quốc gia đầu tiên về khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ được lồng ghép thu thập từ Tổng Điều tra Kinh tế Việt Nam.(Ảnh minh họa/Vietnam+)

Ông Đông cũng đánh giá cao nghiên cứu Sách trắng về doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ tại Việt Nam với sự hỗ trợ kỹ thuật của ADB. Đây là ấn phẩm nghiên cứu dựa trên Cơ sở Dữ liệu Quốc gia đầu tiên về khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ được lồng ghép thu thập từ Tổng Điều tra Kinh tế Việt Nam.

“Tôi mong rằng các phát hiện và khuyến nghị của Sách trắng sẽ là những thông tin hữu ích cho cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức liên quan nghiên cứu, tham khảo nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nhân nữ phát triển tương xứng với tiềm năng và vai trò của khu vực này. Điều này góp phần quan trọng đạt được các mục tiêu về bình đẳng giới và phát triển bền vững của quốc gia,” Thứ trưởng Trần Duy Đông nói.

Ông Winfried Wicklein, Tổng Vụ trưởng Vụ Đông Nam Á của ADB chia sẻ doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ lãnh đạo có thể là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam cũng như trên khắp châu Á và Thái Bình Dương. Đối với ADB, thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền kinh tế cho phụ nữ là ưu tiên hàng đầu, vì vậy chúng tôi rất vui mừng được hợp tác với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để hoàn thành nghiên cứu về thúc đẩy các doanh nghiệp và doanh nhân nữ ở Việt Nam.

Dựa trên những kiến thức và kinh nghiệm quốc tế, Sách Trắng đưa ra các khuyến nghị giúp giải phóng tiềm năng chưa được khai phá của doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ lãnh đạo ở Việt Nam. Những khuyến nghị này bao gồm xây dựng cơ sở dữ liệu phân tách theo giới, đưa khái niệm doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ vào một số văn bản quy phạm pháp luật cụ thể. Trong đó, Luật Bình đẳng giới, các biện pháp khả thi theo lăng kính giới để thi hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ và tập trung nhiều hơn vào các hoạt động phổ biến kiến thức và nâng cao nhận thức, bao gồm thúc đẩy tinh thần kinh doanh cho phụ nữ và các nữ doanh nhân thành công tiêu biểu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục