Để những người yếu thế 'Vươn lên và tỏa sáng nghị lực sống'

Bộ KH&ĐT hỗ trợ người yếu thế 'Vươn lên và tỏa sáng nghị lực sống'

Trong 8 nhóm yếu thế được Bộ Kế hoạch và Đầu tư bảo trợ, có một số chị em phụ nữ đã mạnh dạn lập doanh nghiệp, tham gia sản xuất kinh doanh.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại Chương trình. (Ảnh: Vietnam+)

Trong những năm qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khuyến khích và lựa chọn một số cộng đồng yếu thế để bảo trợ. Các nhóm này đã khởi nghiệp, vươn lên vượt qua chính mình để tạo ra nhiều sản phẩm đóng góp cho cộng đồng, tạo nhiều công việc cho người lao động.

Thông tin trên được lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra tại Chương trình “Vươn lên và tỏa sáng nghị lực sống” diễn ra ngày 6/3 tại Hà Nội.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc, trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế-xã hội, là điểm sáng và mô hình thành công của quá trình xóa đói, giảm nghèo. Việt Nam cũng được đánh giá việc thực hiện cam kết thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ SDGs với những lộ trình cụ thể, một số mục tiêu hoàn thành trước thời hạn. Đây là sự nỗ lực và quyết tâm lớn của Chính phủ.

Hiện nay, cộng đồng người yếu thế ở Việt Nam hiện có khoảng 6 triệu người. Đây là một bộ phận được quan tâm trong mọi xã hội. Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam cũng luôn dành sự quan tâm kịp thời, sâu sát đến cộng đồng đặc biệt này.

[Vinh danh 400 tấm gương sáng đóng góp thầm lặng vì cộng đồng]

“Trong các chính sách, cộng đồng yếu thế không chỉ là một bộ phận xã hội mà còn là một bộ phận cấu thành của nguồn nhân lực của Việt Nam, đóng góp vào sự phát triển xã hội và tăng trưởng của nền kinh tế. Bên cạnh phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn ý thức tầm quan trọng của công tác xã hội, quyết tâm dành thời gian và công sức tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa với mục tiêu vì sự phát triển của cộng đồng. Từ năm 2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khuyến khích và lựa chọn một số cộng đồng yếu thế để bảo trợ,” bà Ngọc cho biết.

Tới nay, trong 8 nhóm yếu thế được Bộ Kế hoạch và Đầu tư bảo trợ, có một số chị em phụ nữ đã mạnh dạn lập doanh nghiệp, tham gia sản xuất kinh doanh. Họ chính là những tấm gương lan tỏa nghị lực sống ra cộng đồng một cách trực diện và mãnh liệt nhất.

Cộng đồng phụ nữ khuyết tật Việt Nam đến từ nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng đều chung một tinh thần vươn lên, tỏa sáng nghị lực sống. (Ảnh: Vietnam+)

Trong số này, Hợp tác xã Tâm Ngọc là một trong những ví dụ điển hình. Chị Trần Thị Thuần, Giám đốc Hợp tác xã cho hay là người khuyết tật, chị hiểu sâu sắc nỗi khổ của người yếu thế khi không có việc làm, không được lao động và tạo giá trị cho gia đình, cho cuộc sống. Với những trăn trở đó, Chị Thuần thành lập Hợp tác xã Tâm Ngọc năm 2019 với 7 thành viên và dấn bước vào thương trường.

Chỉ sau 4 năm gây dựng, Tâm Ngọc có một số sản phẩm trà được người tiêu dùng đón nhận đồng thời tạo việc làm cho 41 người lao động, chủ yếu là người khuyết tật trên địa bàn Thủ đô.

Từ bước đường khởi nghiệp đầu tiên, Tâm Ngọc đã nhận được sự động viên, hỗ trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Sự hỗ trợ ấy là động lực giúp Tâm Ngọc mạnh dạn mở rộng kinh doanh và lập doanh nghiệp thứ thứ hai từ năm 2022 với mục tiêu tạo việc làm và đào tạo việc làm cho người yếu thế…

Phó chủ tịch Hội người Mù Việt Nam, bà Đinh Việt Anh, cho biết trong những năm qua, hơn hai vạn người mù Việt Nam đã được nhận Cây gậy trắng - Chương trình do Bộ Kế hoạch và Đầu tư khởi xướng và trao tặng, tạo điểm tựa tinh thần và vật chất cho cộng đồng người khiếm thị hòa nhập với cuộc đời…

Tại buổi lễ, bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, chia sẻ rất xúc động khi nhìn thấy những gương mặt rạng rỡ, đại diện cho cộng đồng phụ nữ khuyết tật Việt Nam đến từ nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng đều chung một tinh thần vươn lên, tỏa sáng nghị lực sống.

Bà khẳng định Liên hợp quốc sẽ hợp tác chặt chẽ với Việt Nam, tiếp tục sát cánh cùng phụ nữ, nhất là những người khuyết tật, để phá bỏ rào cản, định kiến, cùng nhau xây dựng một thế giới hòa nhập, bền vững cho tất cả mọi người…

“UNDP tại Việt Nam chung một mong muốn với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đó là hỗ trợ và trao quyền cho người khuyết tật, nhất là phụ nữ, để họ được tham gia đầy đủ và bình đẳng vào quá trình phát triển của xã hội, để không ai bị bỏ lại phía sau…,” bà Tamesis nói./.

(Vietanm+)

Tin cùng chuyên mục