Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành được kỳ vọng sẽ giúp xây dựng một xã hội lành mạnh trên môi trường internet.
Tiến sỹ, Luật sư Lê Ngọc Khánh, Hãng Luật TGS (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) chia sẻ quan điểm với Báo VietnamPlus về sự cần thiết của Bộ quy tắc này và sự kỳ vọng rằng mạng xã hội Việt Nam sẽ trở nên lành mạnh, hữu ích hơn.
Ẩn họa từ mạng xã hội với giới trẻ
- Thưa luật sư, ông có đánh giá như thế nào về mặt tích cực và tiêu cực của môi trường mạng xã hội hiện nay?
Luật sư Lê Ngọc Khánh: Chúng ta đã thấy môi trường mạng xã hội ngày càng có ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt đời sống. Những lợi ích mà môi trường mạng xã hội đem lại cho con người thật tuyệt vời, nó giúp cho mọi người giao lưu, liên kết, chia sẻ và nâng cao trí thức, nâng tầm hiểu biết, phục vụ cuộc sống.
Mạng xã hội hiện nay không còn xa lạ với mọi người, từ người lớn tới trẻ nhỏ, đặc biệt là giới trẻ hiện nay thường dành rất nhiều thời gian sử dụng mạng xã hội.
Sử dụng mạng xã hội sẽ giúp giới trẻ kết nối với nhau một cách dễ dàng, nắm bắt các thông tin một cách nhanh chóng. Không ít các bạn trẻ tận dụng mạng xã hội để kinh doanh, học hỏi kiến thức, kỹ năng và bày tỏ quan điểm cá nhân. Tuy nhiên, môi trường số cũng có những hạn chế, những tác hại không nhỏ, đặc biệt là với trẻ em.
Nhiều bậc phụ huynh cho con em mình tiếp xúc sớm với YouTube, TikTok, Facebook… mà chưa tìm hiểu kỹ những nội dung được đăng tải trên đó. Nhiều video trên YouTube dành cho trẻ em nhưng lại có nội dung phản cảm, độc hại.
- Nói đến những kênh YouTube độc hại, xin luật sư phân tích rõ sự ảnh hưởng tiêu cực đối với trẻ em?
Luật sư Lê Ngọc Khánh: Thời gian qua, vụ việc hai kênh YouTube Thơ Nguyễn và Timmy TV bị xử lý vì những nội dung độc hại ảnh hưởng đến tâm lý trẻ nhỏ là minh chứng rõ rệt cho mặt trái của mạng xã hội.
Trẻ em tham gia vào môi trường mạng ngày càng nhiều nhưng lại chưa có những hàng rào hữu hiệu để bảo vệ trẻ em khỏi những thông tin độc hại. Phần lớn cha mẹ, thầy cô không chú ý hoặc chưa có sự quan tâm đến nội dung mà các con tiếp nhận qua mạng xã hội, khi mà nhận thức của trẻ em vẫn chưa được hoàn thiện.
Nhìn chung, môi trường mạng xã hội tiêu tốn thời gian của giới trẻ, khiến các em quên đi mục tiêu thực sự của mình là phải học tập, tích lũy kiến thức để chuẩn bị hành trang cho tương lai.
[Bộ quy tắc ứng xử: Điều tiết hành vi của người tham gia mạng xã hội]
Môi trường mạng xã hội làm ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh, sinh viên. Tuy chưa có những báo cáo chính thức của các cơ quan chức năng nhưng thực tế đã ghi nhận được một số trường hợp thanh thiếu niên có những hiện tượng bệnh lý có liên quan đến Internet như mệt mỏi, trầm cảm...
Bên cạnh đó, game online, những trào lưu văn hóa lệch lạc, những hành vi thiếu chuẩn mực đạo đức được chia sẻ trên mạng xã hội tạo thành một làn sóng mạnh mẽ, khó kiểm soát. Điều này dẫn đến sự lệch lạc trong nhận thức và ứng xử của nhiều học sinh.
- Gần đây, hiện tượng một cá nhân livestream “bóc phốt,” thóa mạ người khác, thu hút rất nhiều người xem, luật sư có ý kiến ra sao về việc này?
Luật sư Lê Ngọc Khánh: Trên mạng, nhiều người nói tục, chửi bậy, xúc phạm người khác, tạo ra các mâu thuẫn xã hội. Đó là những hành vi vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng, cần phải áp dụng các chế tài hành chính hoặc hình sự để xử lý thì mới bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, của tổ chức, của cá nhân trên không gian mạng.
Mỗi người dân đều có quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ ý kiến, quan điểm, thái độ của mình về các vấn đề xã hội. Tuy nhiên quyền tự do ngôn luận không phải là muốn nói gì thì nói, làm gì thì làm.
Tự do ngôn luận bị giới hạn bởi quyền được bảo vệ bí mật nhà nước, bí mật kinh doanh, bí mật đời tư cá nhân, quyền được tôn trọng về danh dự nhân phẩm của công dân. Nếu ai đó thực hiện quyền tự do ngôn luận một cách quá đà, quá giới hạn, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, của cá nhân hoặc quyền lợi của nhà nước thì có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh như: Tội vu khống; Tội làm nhục người khác; Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông; Tội lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân...
'Bộ lọc' kiểm soát thông tin
- Ngày 17/6, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Luật sư có đánh giá như thế nào về tầm quan trọng và ý nghĩa thiết thực của bộ quy tắc này?
Luật sư Lê Ngọc Khánh: Mục đích chính của Bộ quy tắc ứng xử này là nhằm xây dựng mạng xã hội lành mạnh Việt Nam, đảm bảo quyền tự do cá nhân, quyền tự do kinh doanh, phù hợp với chuẩn mực, thông lệ, các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội nêu rõ 4 quy tắc ứng xử chung, áp dụng cho tất cả nhóm đối tượng sử dụng mạng xã hội: Quy tắc tôn trọng, tuân thủ pháp luật; Quy tắc lành mạnh; Quy tắc an toàn, bảo mật thông tin; Quy tắc trách nhiệm.
Tuy nhiên, đây không phải một văn bản pháp lý mang tính bắt buộc mà là chuẩn mực ứng xử để mọi người tôn trọng và làm theo, tạo ra một cơ sở để dư luận phê phán hoặc lên án những mặt trái của mạng xã hội, chủ yếu là làm lành mạnh trên nền tảng văn hóa, văn minh, tuân thủ đạo lý và nhân cách con người với mối tương tác xã hội.
Đối với trẻ em, Bộ quy tắc được ban hành như một thiết bị “bộ lọc” giúp kiểm soát thông tin. Cụ thể, Bộ quy tắc giúp phát hiện sớm và gỡ bỏ nội dung độc hại trên môi trường mạng đồng thời trang bị kỹ năng cơ bản cho trẻ em, bao gồm giáo dục nhận thức về môi trường mạng để trẻ có thể tự bảo vệ mình, tự nhận diện các nguy cơ và có hành động thích hợp. Từ đó, trẻ em được tham gia vào môi trường mạng lành mạnh và an toàn hơn.
- Luật sư có nói rằng đây không phải văn bản pháp lý mang tính bắt buộc. Vậy ông có kiến nghị rằng cần bổ sung thêm chế tài xử lý pháp luật?
Luật sư Lê Ngọc Khánh: Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội được ban hành như một “thể chế mềm” giúp xây dựng môi trường mạng xã hội tích cực.
Tuy nhiên, những quy tắc này vẫn đang mang bản chất của việc định hướng hành vi, nghĩa là việc người sử dụng mạng xã hội có làm theo hay không là tùy theo nhận thức của mỗi người. Vì vậy, trên cơ sở những chế tài sẵn có, cần bổ sung các quy định xử lý nghiêm khắc hơn, cụ thể hơn để phù hợp với tình hình kinh tế xã hội của đất nước, góp phần đẩy lùi các hành vi phạm pháp trên môi trường số./.