Ngày 27/9, tiếp tục phiên họp toàn thể lần thứ ba, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Lê Thị Nga, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự số 100/2015/QH13.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dự phiên họp. Đây là ngày thứ hai, Ủy ban Tư pháp cho ý kiến đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự.
Sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến pháp nhân thương mại phạm tội
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định của Bộ Luật Hình sự năm 2015 liên quan đến pháp nhân thương mại phạm tội nhằm tạo thuận lợi cho việc áp dụng trên thực tế.
Nhiều ý kiến tán thành với việc bổ sung quy định về phân loại tội phạm trong dự thảo Luật, qua đó làm căn cứ trong việc xác định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, xác định thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử... đối với pháp nhân thương mại phạm tội.
Về cách phân loại tội phạm đối với pháp nhân thương mại như thế nào cho phù hợp, thành viên Ủy ban Tư pháp, luật sư Nguyễn Văn Chiến dẫn chiếu khoản 2 của Điều 9: Phân loại tội phạm có nêu: "Tội phạm do pháp nhân thương mại thực hiện được phân loại dựa trên cơ sở phân loại tội phạm quy định tại khoản 1, Điều này."
Đại biểu phân tích "tại khoản 1 Điều 9 chỉ nói đến hình phạt tù, nhưng lại áp dụng cho pháp nhân thương mại, trong khi đó hình phạt đối với pháp nhân thương mại lại không có hình phạt tù."
Hơn nữa, theo luật sư Nguyễn Văn Chiến hình phạt tiền đối với cá nhân mức độ rất nhẹ, tính chất mà pháp nhân thương mại vi phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự thì gây hậu quả đặc biệt lớn và số tiền cũng rất lớn, lớn hơn nhiều so với cá nhân.
Luật sư nêu quan điểm nếu như dẫn chiếu khoản 2 Điều 9 để áp dụng như khoản 1 như đối với cá nhân là bất cập. Theo luật sư Nguyễn Văn Chiến, Điều 9 cần phải thiết kế ấn định một khoản tiền tương ứng đối với hình phạt tù của khoản 1 để quy định cụ thể cho pháp nhân thương mại, như vậy mới dễ dàng trong áp dụng thực tế.
Băn khoăn về tên gọi pháp nhân thương mại, luật sư Nguyễn Văn Chiến nêu: Bộ Luật Hình sự quy định xử lý tội phạm hình sự đối với pháp nhân thương mại, nhưng tên gọi này có sự bất cập bởi trong xu hướng hội nhập hiện nay, đất nước có nhiều pháp nhân của nước ngoài vào hoạt động, làm việc, kinh doanh...
Trong quá trình hoạt động tại nước ta, các pháp nhân này có vi phạm pháp luật. Nếu như chúng ta chỉ quy định là pháp nhân thương mại trong khi nước ngoài lại không gọi là pháp nhân thương mại thì khi họ có vi phạm và cần thiết xử lý về mặt hình sự thì rất khó xử lý - luật sư nêu.
Bổ sung các chất ma túy, cây có chứa chất ma túy mới xuất hiện ở nước ta vào Bộ Luật Hình sự
Nhiều ý kiến thống nhất về việc bổ sung các chất ma túy, cây có chứa chất ma túy mới xuất hiện ở nước ta vào Bộ Luật Hình sự 2015 để có cơ sở xử lý. Tuy nhiên phương án bổ sung cụ thể còn ý kiến khác nhau.
Theo đề xuất của Chính phủ, trước mắt chỉ nên bổ sung những chất ma túy mà chúng ta đã biết rõ tên, nguồn gốc, đó là chất XLR-11 (được tẩm ướp trong cỏ Mỹ) và lá KHAT- một loại lá đã xuất hiện ở nước ta. Còn nhưng cây khác có chứa chất ma túy mà chúng ta chưa biết được thì chưa nên bổ sung vào Bộ Luật Hình sự.
Nếu sau này xuất hiện các cây này ở nước ta thì có thể vận dụng các biện pháp xử lý khác đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt các cây này, đồng thời, tiến hành phân tích, kiểm nghiệm để có kết luận cụ thể và nếu cần thì sẽ đề xuất bổ sung vào Bộ Luật Hình sự.
Nếu bổ sung vào Bộ luật quy định quét "cây khác có chứa chất ma túy" thì dễ có nguy cơ bị lợi dụng, xử lý không đúng.
Nhiều ý kiến khác cho rằng ngoài việc bổ sung các cây, lá cụ thể mới xuất hiện trong thời gian gần đây thì cũng cần bổ sung quy định mang tính dự báo là "cây khác có chứa chất ma túy" để tạo điều kiện linh hoạt, thuận lợi trong việc xử lý tội phạm khi phát hiện một loại cây mới có chứa chất ma túy mà không cần phải sửa đổi, bổ sung Bộ Luật Hình sự.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tán thành với việc bổ sung chất ma túy, cây có chứa chất ma túy mới xuất hiện vào Bộ Luật Hình sự 2015 nhưng quan điểm của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cần phải có dự báo dài hơi hơn, quy định theo hướng những chất ma túy khác thuộc danh mục ma túy do Chính phủ quy định.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Luật, thay mặt Thường trực Ủy ban phát biểu kết luận, ghi nhận đầy đủ, cụ thể các ý kiến của thành viên Ủy ban Tư pháp góp ý vào dự thảo sửa đổi, bổ sung Bộ Luật Hình sự, qua đó hoàn thiện báo cáo thẩm tra của Ủy ban về dự thảo Bộ luật này, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thảo luận trong phiên họp sắp tới, dự kiến diễn ra trong đầu tháng 10 tới./.