Bộ trưởng Carter: Mỹ sẽ sát cánh cùng đồng minh tại Biển Đông

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ahston Carter đã làm "nóng" phiên thảo luận buổi sáng 30/5 tại Đối thoại Shangri La lần thứ 14 đang diễn ra ở Singapore khi khẳng định Mỹ có quyền can dự vào Biển Đông.
Bộ trưởng Carter: Mỹ sẽ sát cánh cùng đồng minh tại Biển Đông ảnh 1Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ahston Carter tại Đối thoại Shangri la 14. (Nguồn: AFP/Getty)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ahston Carter đã làm "nóng" phiên thảo luận buổi sáng 30/5 tại Đối thoại Shangri La lần thứ 14 đang diễn ra ở Singapore khi khẳng định Mỹ có quyền can dự vào Biển Đông đồng thời lên án mạnh mẽ các hành động gây hấn, đe dọa an ninh an toàn ở vùng biển này.

"Mỹ quan ngại sâu sắc trước những căng thẳng ở Biển Đông, đặc biệt là những hoạt động gần đây của Trung Quốc trên các vùng biển tranh chấp cũng như phản đối bất kỳ giải pháp quân sự nào gây bất ổn trên Biển Đông. Mỹ hoan nghênh các nước ASEAN và Trung Quốc cùng ngồi lại bàn bạc để giải quyết tình hình," ông Ahston Carter nói.

Ông Ahston Carter cũng cho rằng yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là "vô lý" và các lực lượng của Mỹ, nếu được lệnh, sẽ sẵn sàng để "chiến đấu để bảo vệ các quyền lợi của Mỹ trong vùng biển châu Á-Thái Bình Dương rộng lớn."

“Đến giờ vẫn chưa rõ là Trung Quốc sẽ còn đi đến đâu,” ông Carter nói. “Và đó là nguyên nhân vùng biển này đang trở thành nguồn cơn căng thẳng ở khu vực."

Ông Ashton Carter cho hay Mỹ đặc biệt lo lắng về tốc độ và quy mô hoạt động lấn đất ở Biển Đông cũng như nguy cơ quân sự hóa ở đây đồng thời nhắc lại quan điểm của Washington, trong đó nhấn mạnh Mỹ muốn có giải pháp hòa bình đối với khu vực cũng như mong muốn ASEAN và Trung Quốc sớm kết thúc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC).

Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter cho biết Mỹ sẽ tiếp tục bảo vệ quyền tự do hàng hải, tự do bay qua lại  - những nguyên tắc đã đảm bảo an ninh và thịnh vượng cho khu vực trong suốt mấy thập kỷ qua.

“Mỹ sẽ đến, bằng máy bay, tàu và hoạt động ở bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép. Việc Trung Quốc biến mấy hòn đá ngầm thành sân bay không biến đó thành chủ quyền và cho phép việc ngăn cản tự do bay qua trên không hay đi lại trên biển,” ông Ashton Carter nêu rõ.

Nhằm đối phó với tình hình mới, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết Washington sẽ đẩy mạnh các hoạt động tăng cường xây dựng năng lực trên biển ở khu vực. Ông nhấn mạnh Mỹ sẽ đem các hệ thống do thám mới như máy bay do thám P-8 Poseidon, máy bay cảnh báo E-2D Hawkeye tới khu vực. “Mỹ luôn đứng bên cạnh các đồng minh và đối tác như Australia, Nhật Bản, Thái Lan, Philippines... để duy trì hòa bình và ổn định của châu Á-Thái Bình Dương và sẽ tiếp tục làm vậy."

Cũng theo Bộ trưởng Ashton Carter, Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ thiết lập "Sáng kiến An ninh biển Đông Nam Á” đồng thời cho biết Quốc hội Mỹ đã phê chuẩn 425 triệu USD cho các nỗ lực xây dựng năng lực trên biển ở Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ahston Carter nhấn mạnh hòa bình, ổn định trong khu vực là vô cùng quan trọng và trách nhiệm của tất cả các quốc gia là cùng hợp tác để duy trì. "Các quốc gia trong khu vực, bất kể là nước lớn hay nhỏ đều có quyền cạnh tranh bình đẳng để có cơ hội phát triển thịnh vượng," ông Ahston Carter cho hay.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter, cấu trúc an ninh phải tạo nền tảng cho sự hợp tác, chứ không phải cưỡng ép và Mỹ muốn có một cấu trúc an ninh khu vực cho sự vươn lên và thịnh vượng.

Bộ trưởng Ahston Carter cũng khẳng định chính sách tái cân bằng của Mỹ sẽ kéo dài, cả về quân sự và kinh tế đồng thời nhấn mạnh việc đoàn nghị sỹ Quốc hội Mỹ có mặt tại Đối thoại Shangri La 14 đã thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa dành cho chính sách tái cân bằng của Mỹ sang châu Á. Ông cũng khẳng định chính sách này của Mỹ là nhằm phát triển châu Á-Thái Bình Dương chứ không phải để kìm hãm bất cứ quốc gia nào.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng đề cập tới Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) như là chìa khóa để mở ra các cơ hội hợp tác kinh tế to lớn, không chỉ cho Mỹ mà còn cho các quốc gia ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Theo ông, TPP là một phần của giai đoạn hai về kinh tế của chính sách tái cân bằng của Mỹ. Và châu Á sẽ vẫn là điểm tựa của kinh tế toàn cầu.

Trong buổi sáng 30/5, các đại biểu tham dự Đối thoại Shangri La sẽ tập trung thảo luận vào ba chủ đề chính gồm: "Mỹ và những thách thức với khu vực châu Á-Thái Bình Dương," "Các hình thức hợp tác an ninh mới ở châu Á" và "Ngăn ngừa leo thang xung đột."

Được tổ chức bởi Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở London (Anh), Đối thoại Shangri-La là diễn đàn để các nước thảo luận những về đảm bảo an ninh trong khu vực, đặc biệt là làm thế nào để những mối căng thẳng ở Biển Đông có thể được xử lý một cách tốt hơn và làm thế nào để ngăn không cho căng thẳng leo thang./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.