Bộ trưởng Giáo dục: Xây dựng nhà trường thích ứng với cách mạng 4.0

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng cần tập trung hơn cho nhóm sư phạm kỹ thuật nhằm đào tạo đội ngũ giáo viên dạy nghề đáp ứng yêu cầu cuộc Cách mạnh công nghiệp lần thứ 4.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ tham quan sản phẩm robot tiếp tân do sinh viên trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh chế tạo. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Ngày 13/4, đến thăm và làm việc tại trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Văn Hiến, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, các trường cần tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực có chất lượng cao cho xã hội, từ đó xây dựng thương hiệu nhà trường để thu hút người học.

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh hiện đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực theo hướng công nghệ và ứng dụng. Trường hướng tới mục tiêu trở thành trường Đại học sư phạm kỹ thuật trọng điểm quốc gia, định hướng phát triển thành trường đại học thông minh.

[Cách mạng công nghiệp 4.0 có tính cảnh báo cao với Việt Nam?]

Hiện tất cả chương trình đào tạo của nhà trường thiết kế theo cách tiếp cận CDIO (khung chuẩn giúp xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo đáp ứng mục tiêu phát triển toàn diện kiến thức, kỹ năng, phẩm chất và năng lực nghề nghiệp cần thiết cho sinh viên). Tỷ lệ sinh viên của trường có việc làm sau một năm tốt nghiệp đạt 96%, có 49% sinh viên có việc làm trước khi tốt nghiệp.

Đánh giá cao tinh thần năng động, đổi mới sáng tạo của tập thể cán bộ, giáo viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng với vai trò của mình, nhà trường cần tập trung hơn cho nhóm sư phạm kỹ thuật nhằm đào tạo đội ngũ giáo viên dạy nghề đáp ứng yêu cầu, thích ứng với cuộc Cách mạnh công nghiệp lần thứ 4. Đặc biệt, việc đào tạo cần đáp ứng yêu cầu khi chương trình giáo dục phổ thông sắp tới đổi mới theo hướng tăng thời lượng giáo dục đạo đức lối sống, kỹ năng, hướng nghiệp và các môn công nghệ kỹ thuật cho học sinh. 

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ, để tránh tình trạng đào tạo dàn trải, nhà trường cần lựa chọn một số ngành nghề có tính chất cốt lõi để tập trung đầu tư, nâng cao chất lượng đào tạo, khẳng định thương hiệu của nhà trường ở những nhóm ngành này. Cùng với đó, nhà trường cần xây dựng đề án phát triển tổng thể với các dự án cụ thể để tập trung đầu tư; đồng thời phối hợp tốt với các trường sư phạm kỹ thuật trong cả nước để cùng làm tốt công tác đào tạo chuyên ngành này. Bên cạnh đó, trường cần mạnh dạn tiến tới thực hiện cơ chế tự chủ.

Tại trường Đại học Văn Hiến, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, các cơ chế, chính sách phát triển giáo dục-đào tạo không có sự phân biệt giữa trường công và trường tư mà các trường đại học cạnh tranh, khẳng định thương hiệu bằng chất lượng đào tạo. Hiện nay, nhiều trường ngoài công lập đã có hướng đi đúng đắn là đào tạo theo hướng ứng dụng. Các trường ngoài công lập cần lựa chọn những ngành mà xã hội đang cần để tập trung đào tạo.

Trường Đại học Văn Hiến hiện nay đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực. Đây cũng là một trong số ít trường đại học ngoài công lập đào tạo lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Một trong những mục tiêu đặt ra của nhà trường là nâng cao tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sỹ và số lượng chương trình đào tạo đạt chuẩn AUN (chuẩn kiểm định và đánh giá của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á) và đẩy mạnh đào tạo sau đại học./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục