Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Chuyển đổi số không đơn giản là đích đến

Chuyển đổi số phải tiến hành từ nhận thức đến hành động, thực hiện thường xuyên, liên tục trong tất cả các hoạt động về xây dựng chính sách, quản lý nghiệp vụ, vận hành, ở quy mô toàn xã hội.
Hệ thống camera an ninh. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Để hoàn thành các nhiệm vụ trong năm 2022, Bộ Giao thông Vận tải vừa yêu cầu các cơ quan, đơn vị xác định xây dựng chính phủ điện tử, chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Phóng viên TTXVN có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể xung quanh vấn đề này.

- Bộ trưởng có thể chia sẻ việc triển khai chuyển đổi số trong lĩnh vực giao thông vận tải năm 2022?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Để hoàn thành các nhiệm vụ trong năm 2022, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các cơ quan, đơn vị xác định xây dựng chính phủ điện tử, chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cần phải ưu tiên thực hiện để hình thành dữ liệu phục vụ quản lý và cải cách hành chính.

Trên cơ sở các chỉ đạo chung của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị chủ động, tích cực hơn nữa trong triển khai các nhiệm vụ được giao, đặc biệt chủ động nguồn vốn đầu tư; thường xuyên theo dõi, bám sát các chỉ đạo mới của Chính phủ và của Bộ Giao thông Vận tải để điều chỉnh, bổ sung kế hoạch thực hiện của đơn vị nhằm đáp ứng tiến độ, chất lượng theo yêu cầu.

Trên cơ sở kế hoạch chung của Bộ, Tổng cục, các cục chuyên ngành phải xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết, phân công đầu mối cụ thể và ưu tiên nguồn lực để triển khai theo đúng thời hạn yêu cầu đối với các nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

[Đầu tư vào chuyển đổi số quốc gia trở thành xu hướng công nghệ ở VN]

Cùng với đó, các đơn vị tích cực triển khai các dự án công nghệ thông tin đã được phê duyệt chủ trương đầu tư; chủ động rà soát nội dung, phạm vi công việc nhằm đáp ứng yêu cầu trong quản lý, điều hành gắn với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.

Trong quá trình thực hiện cần đánh giá hiện trạng hạ tầng kỹ thuật, cơ sở dữ liệu, ứng dụng đang có, từ đó xác định mô hình, khung tổng thể và lộ trình triển khai phù hợp với kiến trúc chính phủ điện tử, kế hoạch xây dựng chính phủ điện tử của Bộ Giao thông Vận tải.

Thẻ ePass giúp lái xe ôtô lưu thông qua làn thu phí tự động, kích hoạt miễn phí tại trung tâm đăng kiểm, thanh toán trực tiếp khi lưu thông qua trạm bằng tài khoản ViettelPay. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

- Quá trình triển khai hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực giao thông vận tải có những thuận lợi gì, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Lĩnh vực giao thông vận tải đã ứng dụng công nghệ thông tin trong nhiều năm và đạt được một số kết quả rất khả quan. Bước đầu hiện đại hóa theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin toàn diện trong mọi hoạt động của Bộ Giao thông Vận tải, các đơn vị trực thuộc, các Sở Giao thông Vận tải trên phạm vi cả nước.

Chuyển đổi số ngành giao thông vận tải kế thừa và phát huy những kết quả này. Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải nhiều lần nhấn mạnh chuyển đổi số là vấn đề thay đổi nhận thức và phương thức quản lý từ truyền thống sang ứng dụng toàn diện công nghệ số. Chuyển đổi số là quá trình, không đơn giản là đích đến.

Vì vậy, việc chuyển đổi số phải tiến hành từ nhận thức đến hành động, thực hiện thường xuyên, liên tục trong tất cả các hoạt động về xây dựng chính sách, quản lý nghiệp vụ, vận hành và phải được triển khai đồng bộ ở quy mô toàn xã hội.

Việc thực hiện từ các cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải, logistics và cả người dân trong quá trình sử dụng các dịch vụ vận tải.

Có thể ví dụ, việc xây dựng chính sách trong lĩnh vực cải cách hành chính. Các đơn vị như Cục Đăng kiểm Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam đã thay thế toàn bộ hồ sơ giấy bằng dịch vụ hoàn toàn trực tuyến và được pháp lý hóa bằng các thông tư hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính, mang lại sự tiện lợi cũng như tiết kiệm rất nhiều chi phí cho doanh nghiệp.

Hay trong lĩnh vực quản lý đường bộ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã xây dựng quy trình quản lý tuyến cố định, biển hiệu, phù hiệu cho các xe kinh doanh vận tải bằng quy trình ứng dụng công nghệ toàn diện, giám sát hành trình phương tiện xe ôtô vận tải. Qua đó phát hiện các vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ tự động một cách minh bạch, từ đó nâng cao hiệu quả trong quản lý vận tải và an toàn giao thông.

Đây chính là chuyển đổi số trong quản lý giao thông vận tải, không chỉ là số hóa, tin học hóa quy trình quản lý hành chính mà thay đổi hoàn toàn phương thức quản lý bằng ứng dụng công nghệ.

Thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục cải cách mạnh mẽ quản lý Nhà nước theo định hướng chuyển đổi số một cách thực tế, hiệu quả. Việc chuyển đổi số sẽ trở thành nhận thức liên tục và hàng ngày trong tất cả các hoạt động của bộ.

- Bộ Giao thông Vận tải vừa ký kết với Bộ Thông tin và Truyền thông về hợp tác chuyển đổi số, Bộ trưởng có thể chia sẻ kết quả và định hướng chuyển đổi số của Bộ trong thời gian tới?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Ngày 22/10/2021, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Thông tin và Truyền thông đã ký Chương trình phối hợp về chuyển đổi số ngành giao thông vận tải giai đoạn 2021-2025. Đây là một bước tiến quan trọng, thể hiện quyết tâm chuyển đổi số của ngành giao thông vận tải trong lộ trình chuyển đổi số chung của các cơ quan Nhà nước.

Việc phối hợp giữa hai Bộ thể hiện cam kết mạnh mẽ của lãnh đạo hai ngành trên cơ sở phát huy đầy đủ vai trò, thế mạnh và nguồn lực sẵn có của mỗi Bộ, làm cơ sở cho việc phối hợp các cơ quan trực thuộc về việc chuyển đổi số, coi nhiệm vụ chuyển đổi số là thành phần hữu cơ, gắn kết chặt chẽ với công tác, nhiệm vụ chuyên môn của Bộ Giao thông Vận tải với sự hỗ trợ trực tiếp từ Bộ Thông tin và Truyền thông.

Các nội dung phối hợp bao gồm xây dựng, tạo lập nền tảng pháp lý cho việc triển khai hoạt động theo hướng tự chủ công nghệ, phát triển các nền tảng số, hạ tầng số.

Các nội dung này bám sát theo định hướng của Chính phủ về việc xây dựng Chính phủ số, kinh tế số để có thể chuyển đổi số một cách mạnh mẽ, toàn diện trong mọi hoạt động quản lý cũng như thúc đẩy thị trường giao thông vận tải trên phạm vi các nước.

Chuyển đổi số của Bộ Giao thông Vận tải bao gồm 5 định hướng chính: Trong đó, định hướng thứ nhất là nâng cao nhận thức về chuyển đổi số một cách sâu rộng trong Bộ Giao thông Vận tải, chuyển đổi số không nằm độc lập mà trở thành hoạt động gắn kết chặt chẽ với công tác quản lý của Bộ Giao thông Vận tải.

Tiếp theo là định hướng kiến tạo thể chế cho phép tạo rào cản pháp lý cho những mô hình kinh doanh mới, sáng tạo nhưng phải hoạt động tuân thủ pháp luật.

Để làm được điều đó, các cán bộ quản lý của ngành giao thông vận tải phải có nhận thức đầy đủ về chuyển đổi số và tham mưu cho lãnh đạo những hình thức quản lý phù hợp, hạn chế những "lỗ hổng chính sách" cho những mô hình kinh doanh mới.

Định hướng thứ ba là phát triển Chính phủ số theo hướng xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ, chính xác và cập nhật, có tính pháp lý để tự động hóa ra quyết định và hỗ trợ ra quyết định. Tập trung vào việc xây dựng các hệ thống phục vụ người dân và doanh nghiệp, lấy lợi ích của người dân làm trung tâm, giảm chi phí nguồn lực xã hội trong việc thực hiện các thủ tục hành chính.

Định hướng thứ tư là phát triển các hệ thống giao thông thông minh, đưa Việt Nam tiếp cận và bắt kịp các nước có hạ tầng giao thông phát triển. Coi công nghệ số là chìa khóa để hiện đại hóa ngành giao thông.  

Định hướng thứ năm, là phát triển nền kinh tế số theo hướng ứng dụng công nghệ, đưa các dịch vụ giao thông hiện đại tới từng người dân và giảm chi phí vận tải - logistics cho doanh nghiệp.

Với các định hướng trên, Bộ Giao thông Vận tải sẽ hoàn thành cơ sở dữ liệu nền tảng giao thông dùng chung vào năm 2022 theo hướng làm đến đâu sẽ ứng dụng ngay đến đó.

Các dữ liệu trong lĩnh vực hàng hải, đường bộ, đăng kiểm đã sẵn sàng ngay trong thời điểm này phục vụ quản lý hành chính và đã phát huy ngay hiệu quả, được người dân và doanh nghiệp ủng hộ.

Chuyển đổi số của Bộ Giao thông Vận tải nói riêng và ngành giao thông vận tải nói chung sẽ nhanh chóng mang lại nhiều lợi ích trực tiếp cho xã hội, góp phần mạnh mẽ cho hiện đại hóa đất nước.

Về kinh phí chuyển đổi số của ngành giao thông vận tải, Bộ Giao thông Vận tải xác định không chỉ từ nguồn ngân sách Nhà nước mà phải bao gồm các nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp, người dân với các dịch vụ giao thông vận tải, từ đó mới có thể thực hiện được các mục tiêu của chương trình chuyển đổi số ngành giao thông vận tải.

Vì thế, Bộ Giao thông Vận tải luôn hoan nghênh các doanh nghiệp đề xuất các giải pháp hợp tác trong chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ lĩnh vực giao thông vận tải.

- Xin cám ơn Bộ trưởng!./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục