Sáng 27/4, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Đề án “Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng.”
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tới các cơ quan trung ương và địa phương được chọn thực hiện thí điểm.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân và Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính chủ trì Hội nghị.
Chọn được người có đức, có tài
Báo cáo của Bộ Nội vụ cho thấy theo chỉ đạo của Ban Bí thư tại Công văn 3135-CV/VPTW của Văn phòng Trung ương Đảng về việc triển khai Đề án, có 14 cơ quan trung ương và 22 tỉnh, thành phố được chọn thực hiện thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng.
Kết quả là đã có 12 cơ quan trung ương tổ chức thi tuyển đối với 29 chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp vụ và cấp phòng, có 42 ứng viên trúng tuyển (cấp vụ có 32 ứng viên, cấp phòng có 10 ứng viên); 17 địa phương tổ chức thi tuyển 86 chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp sở và cấp phòng, có 368 ứng viên trúng tuyển (cấp sở có 33 ứng viên, cấp phòng có 335 ứng viên).
[Giữ "Liêm" - cái gốc của người cán bộ: Trọng dụng người thực tài]
Nhìn lại 3 năm thực hiện Đề án, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết tập thể lãnh đạo các cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố được chọn thí điểm thực hiện Đề án đã quan tâm, tích cực, chủ động lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Đề án đạt kết quả cao.
Nhiều đơn vị đã thực hiện tốt như Ban Tổ chức Trung ương thi tuyển 6 vị trí, Bộ Nội vụ thi tuyển 6 vị trí, Bộ Giao thông Vận tải thi tuyển 10 vị trí, Quảng Ninh thi tuyển 129 vị trí, Ninh Bình thi tuyển 26 vị trí, Đà Nẵng, Bình Dương đều thi tuyển 22 vị trí.
Ba ưu điểm được Bộ trưởng chỉ ra là việc thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý cho thấy, những người trúng tuyển, được bổ nhiệm vào vị trí cán bộ lãnh đạo, quản lý đều thực sự là những người có đức, có tài, làm chuyển biến mọi mặt của tổ chức, cơ quan, đơn vị do người đó lãnh đạo, quản lý, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức, cơ quan, đơn vị.
Đây là căn cứ thực tiễn rất quan trọng để khẳng định chủ trương này của Đảng là đúng đắn, cần tiếp tục được thực hiện thí điểm, đúc rút kinh nghiệm và chuẩn bị những điều kiện cần thiết để thực hiện ở các địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị trong cả nước.
Thực hiện tốt việc thi tuyển chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị thông qua thi tuyển là môi trường và dịp tốt để rèn luyện, nâng cao khả năng tư duy mới, năng lực tổ chức thực tiễn trong đổi mới phương thức công tác cán bộ nói chung và đổi mới phương thức lựa chọn cán bộ nói riêng của các cấp ủy, để công tác cán bộ có chất lượng, hiệu quả hơn, xứng đáng là khâu then chốt của nhiệm vụ then chốt - xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn hiện nay; củng cố và nâng cao lòng tin của nhân dân đối với Đảng, trước hết đối với cấp ủy, tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị.
Bên cạnh đó, đổi mới cách thức lựa chọn lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị thông qua thi tuyển góp phần quan trọng vào việc tăng cường dân chủ và sự lãnh đạo tập trung thống nhất của cấp ủy trong công tác cán bộ, đổi mới công tác cán bộ, tạo “sân chơi bình đẳng,” môi trường thuận lợi để mọi cán bộ thể hiện đạo đức, tài năng và có điều kiện thuận lợi cống hiến trí tuệ, sức lực cho đất nước, dân tộc.
Theo Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính, Đề án được thực hiện khá tốt, đạt kết quả rõ nét, chọn được người tốt nhất trong những người đủ tiêu chuẩn bổ nhiệm.
Việc triển khai được thực hiện công tâm, khách quan, dân chủ, minh bạch, thi xong thì ai cũng “tâm phục, khẩu phục” kết quả.
Công tác thực hiện nhiệm vụ của đa số cán bộ lãnh đạo, quản lý được tuyển chọn qua thi tuyển là khá tốt.
Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Ban Tổ chức Trung ương) Dương Minh Đức cho biết, từ năm 2017 đến nay, Ban đã tổ chức thi tuyển và bổ nhiệm chức danh 3 vụ trưởng, 3 trưởng phòng, 3 Phó Tổng biên tập Tạp chí xây dựng Đảng.
Việc thực hiện thi tuyển lãnh đạo đã trở thành hoạt động thường xuyên, góp phần quan trọng để đổi mới việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý của Ban. Hiện tại, Ban Tổ chức Trung ương đang tiếp tục chuẩn bị tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý ở các cục, vụ, viện.
Chia sẻ kinh nghiệm của đơn vị đi đầu, ông Dương Minh Đức cho biết việc tổ chức thi tiễn phải thực hiện công khai, minh bạch. Ngoài ý thức của cán bộ, phải có những ràng buộc bằng quy chế.
Ví dụ như thành viên Hội đồng nào cho điểm cao hoặc thấp hơn 20% điểm trung bình cộng sẽ không được sử dụng. Hay như quy định Hội đồng thi được thành lập sát nút kỳ thi để tránh các ứng viên tiếp xúc, tác động.
Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Giao thông Vận tải) Đặng Văn Lâm cho biết từ tháng 4/2014-6/2015, Bộ Giao thông Vận tả tổ chức thành công 10 kỳ thi, qua đó đã bổ nhiệm 10 lãnh đạo cấp trưởng qua thi tuyển tại 10 cơ quan đơn vị trực thuộc bộ.
Tuy nhiên, ông Lâm cũng chia sẻ tâm lý của nhiều anh em là ngại thi tuyển vì nếu không đạt thì sẽ ảnh hưởng đến uy tín của họ ở vị trí cũ hoặc công tác quy hoạch sau này. Vì vậy, số thí sinh dự thi còn ít. Trong các cuộc thi tại bộ mỗi chức danh có ít nhất là 3 trường hợp dự thi, có chức danh 6 ứng tuyển.
Chia sẻ về điều này, ông Mai Văn Chính cho biết Ban Tổ chức Trung ương khuyến khích công chức đi thi như là một vinh dự. “Ai tham gia thi là chúng tôi khen, không đi thi là chúng tôi đánh giá thấp, không bản lĩnh.”
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Xuân Bình cho biết địa phương này đã tổ chức thi tuyển 8 chức danh, 1 trường hợp thuộc diện Thành ủy quản lý, 7 trường hợp thuộc giám đốc các sở ngành quản lý.
Theo ông Bình, phải làm sao để các kỳ thi tuyển chức danh lãnh đạo được thực chất, tạo cơ hội ngang bằng, tránh tình trạng thi không thực chất vừa tốn kém, không giải quyết được gì. “Nhất là tránh thi để hợp thức việc nhắm vào người này, người khác,” ông Bình nhấn mạnh.
Chủ yếu là những người trong quy hoạch
Nhiều hạn chế trong thực hiện Đề án cũng đã được các đại biểu chỉ ra tại Hội nghị. Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết việc chuẩn bị và chỉ đạo về nội dung thi tuyển chưa đầy đủ và có những điểm chưa cụ thể, rõ ràng; sự phối hợp hoạt động giữa các cơ quan được giao nhiệm vụ chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án có lúc chưa chặt chẽ.
Nhiều cơ quan, đơn vị được chọn thí điểm thực hiện Đề án còn lúng túng trong triển khai thực hiện, thời gian thực hiện kéo dài ảnh hưởng đến các hoạt động khác của cơ quan, đơn vị; chưa kết hợp chặt chẽ việc thi tuyển chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý với việc xây dựng vị trí việc làm tại cơ quan, đơn vị.
Việc thí điểm thi tuyển lãnh đạo cũng chưa thu hút đông đảo cán bộ, công chức tham gia, chủ yếu là những người trong quy hoạch (đối tượng bắt buộc) phải dự thi; việc thành lập Hội đồng thi tuyển ở một số nơi chưa thật hợp lý và còn lúng túng trong xử lý một số tình huống khi tổ chức thi tuyển.
Một thực tế khác được Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức (Bộ Nội vụ) Trương Hải Long nêu lên là còn lúng túng trong xử lý một số tình huống khi tổ chức thi tuyển, như gần sát ngày tổ chức thi tuyển, phần lớn ứng viên đăng ký thi tuyển đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt đều xin không tham gia thi tuyển, chỉ còn lại một ứng viên; lúng túng trong việc quyết định ứng viên trúng tuyển qua thi tuyển khi có từ 2 ứng viên trở lên đạt số điểm bằng nhau và đáp ứng các yêu cầu của chức danh thi tuyển...
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân khẳng định việc thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý không làm thay trách nhiệm của các tổ chức đảng (Ban thường vụ cấp ủy, Ban cán sự Đảng) và cũng không thay đổi tiêu chuẩn, chức danh. Việc này nhằm đổi mới cách tuyển chọn cho gọn nhẹ, phù hợp, khắc phục tình trạng từ trước đến nay là làm theo quy trình 5 bước.
“Lâu nay có tình trạng cán bộ chúng ta làm được nhưng nói không được hoặc là làm được nhưng viết không được. Thi tuyển lãnh đạo, quản lý là nhằm khắc phục việc này, đòi hỏi cán bộ lãnh đạo, quản lý là phải viết được, nói được và phải làm được,” Bộ trưởng Nội vụ nhấn mạnh.
Bộ Nội vụ sẽ hoàn thiện báo cáo sơ kết, có kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư kết luận để hướng dẫn thực hiện trong thời gian tới theo hướng tiếp tục thực hiện đến quý 4/2022 sẽ tiến hành tổng kết./.